Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bí quyết giữ gìn sức khỏe mùa nắng nóng
Ngày cập nhật 16/05/2020

Khi thời tiết nóng lên mô hình bệnh tật có sự thay đổi. Nổi lên là các bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, tiêu chảy cấp –còn gọi là tả, lỵ, thương hàn, các bệnh virus đường ruột như Rotavirus-gây tiêu chảy ở trẻ em...). Ngoài ra nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn gây ngộ độc hàng loạt cũng thường xảy ra trong mùa hè. Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm của mùa hè rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, cộng với sự ô nhiễm môi trường (ô nhiễm không khí, đất, nước), bụi bặm nhiều hơn làm cho gia tăng các bệnh dịch trên.

Phòng bệnh như thế nào?

Trời nắng nóng, khi đi ra ngoài nên mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang, mắt kính che chắn bảo vệ cơ thể, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, cần chú ý không để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột khi vừa ở ngoài trời nắng vào ngay phòng máy lạnh. Khi ở môi trường nhiệt độ cao, cơ thể đang đổ mồ hôi, các lỗ chân lông mở ra, lại tiếp xúc ngay với môi trường nhiệt độ thấp, lạnh sẽ dễ gây cảm… lạnh.

Những người thể chất yếu, có thể bị sốc nhiệt, choáng váng, ngất xỉu khi thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường phòng lạnh ra nắng nóng và ngược lại.Người dân cần chú ý, khi ở ngoài trời nắng nóng vào phòng, cần để máy điều hòa lạnh từ từ, không giảm ngay nhiệt độ xuống quá thấp, hoặc nên nghỉ ngơi một chút ở chỗ mát rồi hãy vào phòng lạnh.

Để phòng các bệnh tiêu hoá cần ăn chín, uống sôi (không ăn rau sống, uống nước lã; không uống nước đá, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh...), rửa tay trước  khi ăn. Thực phẩm phải mua loại còn tươi nguyên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chế biến ngay, bảo quản thức ăn đã chế biến trong điều kiện thích hợp và không để quá lâu, không ăn thực phẩm ôi  thiu...

Đối với các bệnh do côn trùng đốt, do muỗi truyền (sốt xuất huyết) cần ăn ở hợp vệ sinh, ngủ màn tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy, không để tồn tại những vũng nước mưa, loại bỏ những dụng cụ đựng nước mưa để không cho muỗi tồn tại và phát triển. Các bệnh do virus nên dùng vắc-xin tiêm phòng. Việc vệ sinh môi trường tốt còn giúp phòng tránh các bệnh về đường hô hấp.

Với các bệnh mạn tính bị tác động bởi thời tiết như COPD, tăng HA... Ở người cao tuổi, cần ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao, nên ăn nhạt, từ bỏ các thói quen xấu (hút thuốc lá, uống café đặc...), phải tuân thủ điều trị, tập thể dục hợp lý, vừa phải phù hợp với sức khỏe một cách đều đặn để rèn luyện hệ tim mạch và hệ hô hấp được khỏe mạnh. Nên hạn chế ra ngoài và không vận động nhiều những khi trời nắng gắt, nhất là với người có tiền sử bệnh tim mạch. Bổ sung các thực phẩm tươi, giảm thức ăn nhiều dầu mỡ và tăng cường uống nước để bù đắp lại lượng bị thất thoát. Với người lớn tuổi hay người bị chứng co thắt mạch, nên cẩn thận khi tắm nước lạnh, tránh để cơ thể thay đổi nhiệt độ quá đột ngột.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.184.424
Truy cập hiện tại 1.059