Tìm kiếm tin tức
Tìm Hiểu về Luật Bình đẳng giới
Ngày cập nhật 21/08/2018

Thưa bà con và các bạn

Thể chế hoá quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về “Nam, nữ bình quyền”, giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ; thể chế hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Quan điểm “Nam, nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Người luôn căn dặn các cấp uỷ Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Gần 77 năm qua, quan điểm đó luôn được quán triệt trong các văn kiện, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ.

Ngay trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 10/01/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 152 về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, chỉ rõ: “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sẳc. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi, “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn trở ngại của phụ nữ…”

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới, việc phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân là yêu cầu, đòi hỏi lớn. Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04 về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới...Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng chỉ rõ: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thày đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.

Nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, khắc phục những bất cập trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật, góp phần nội luật hóa, khẳng định quyết tâm của Việt Nam thực hiện các cam kết với quốc tế về quyền con người, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt với phụ nữ. Luật bình đẳng giới được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 11, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006. Ngày 12 tháng 12 năm 2006, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 18. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

Bố cục:

Luật bình đẳng giới gồm 6 Chương, 44 Điều:

Chương 1. Những quy định chung có 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng điều ước quốc tế về bình đẳng giới; mục tiêu bình đẳng giới; giải thích từ ngữ; các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới; chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới; nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới; cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương 2. Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình có 8 điều (từ Điều 11 đến Điều 18) quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao và bình đẳng giới trong gia đình.

Chương 3. Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới có 6 điều (từ Điều 19 đến Điều 24) quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới.

Chương 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới có 10 điều (từ Điều 25 đến Điều 34) quy định trách nhiệm của Chính phủ; cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới; bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức khác; trách nhiệm của gia đình và công dân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới.

Chương 5. Thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới có 7 điều (từ Điều 35 đến Điều 42) quy định thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế; các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình; các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Chương 6. Điều khoản thi hành có 2 điều (Điều 43 và Điều 44) quy định về hiệu lực thi hành của Luật bình đẳng giới và hướng dẫn thi hành Luật này.

Hỏi: Bình đẳng giới là gì?

Trả lời:

Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.

             Hỏi; Tại sao phải thực hiện bình đẳng giới?

          Trả lời: Thực hiện bình đẳng giới là đảm bảo quyền con người. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới đem lại lợi ích cho phụ nữ và xã hội.

       Điều 18 - Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau: Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình cũng như trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển”.

 NỘI DUNG THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG TRONG GIA ĐÌNH

1. Các thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ việc nhà

- Từ bao đời nay, người ta vẫn quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ. Đó là những công việc vặt vãnh, không tên, nhẹ nhàng, đơn giản, ai làm cũng được. Chính nhiều phụ nữ cũng còn cho rằng chỉ có mình mới làm tốt công việc nội trợ; có một số phụ nữ không khuyến khích nam giới làm mà còn tỏ ra ái ngại khi thấy chồng hoặc con trai làm những công việc nội trợ một cách vụng về.

- Nam giới ít khi làm việc nhà vì họ nghĩ rằng: Nam giới là trụ cột gia đình nên chỉ làm việc lớn; nam giới làm việc vặt sẽ mất thể diện với mọi người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm; trong khi phụ nữ làm việc nhà khéo hơn nam giới; Trách nhiệm của phụ nữ là sinh đẻ, nuôi dạy con gắn với nội trợ trong gia đình; Mẹ nói năng nhẹ nhàng, tình cảm nên để mẹ dạy con tốt hơn còn bố nóng tính, hay quát mắng con làm con dễ sợ và bố chỉ dạy con việc lớn. Do vậy, nam giới không thường xuyên làm việc nhà, họ chỉ làm khi không có người phụ nữ nào giúp; nhưng trong thực tế nam giới cũng có thể làm tốt các công việc như đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ con, người ốm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc, dạy dỗ con.

- Cùng nhau chia sẻ việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích:

+ Đối với người vợ:

Nếu không được người chồng chia sẻ việc nhà thì người vợ phải làm quá nhiều việc nhà, bản thân người vợ phải chịu nhiều thiệt thòi, sức khỏe giảm sút, gầy yếu, nhanh già hơn chồng; có ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí; thiếu thời gian học tập nên thiếu kiến thức về mọi mặt; không có thời gian tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, nên thiếu mạnh dạn, tự ti, vị trí xã hội thấp dần; thiếu hiểu biết để cùng chồng bàn bạc các công việc gia đình và xã hội; quan hệ vợ chồng thiếu đồng cảm.

Nếu được người chồng cùng gánh vác công việc gia đình, người vợ sẽ giảm gánh nặng công việc, có thời gian học tập, tham gia hoạt động xã hội để nâng cao kiến thức, mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống, địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng cao; chị em có thời gian tham gia hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ; có thời gian nghỉ ngơi, giải trí làm phong phú đời sống tinh thần, vui vẻ, trẻ lâu và không khí gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

+ Đối với con cái:

Khi người bố không chia sẻ công việc gia đình thì quan hệ tình cảm giữa bố và con ít gần gũi, thiếu sự cảm thông; trẻ phát triển không toàn diện vì thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của người bố; trẻ em trai chịu ảnh hưởng của tính gia trưởng và thiếu trách nhiệm; trẻ em gái trở lên tự ti, mặc cảm, an phận.

Khi người bố tham gia nhiều hơn vào việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con cái; trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn; con cái tự hào về bố, mẹ và gia đình; con học tập gương bố để tự giác làm việc nhà; quan hệ tình cảm bố con gắn bó hơn; trẻ sớm có hiểu biết về bình đẳng giới.

+ Đối với người chồng:

Người chồng cũng tự hào có gia đình hạnh phúc, vợ đẹp, con khôn; thông cảm hơn với sự vất vả, khó khăn của người vợ; thạo việc gia đình và dạy con làm tốt hơn; là tấm gương tốt cho con noi theo; có uy tín hơn đối với các con.

Do đó:

- Mọi người cần thay đổi quan điểm lạc hậu để nam giới chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc dạy dỗ con. Các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ cần mạnh dạn khuyến khích, động viên nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình.

Nam giới sẽ tích cực chia sẻ việc nhà khi được gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm.... đặc biệt là người vợ động viên, khuyến khích.

Nam giới làm việc nhà là việc làm đáng tự hào và có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội vì nó hỗ trợ phụ nữ có điều kiện tiến bộ và bình đẳng, trẻ em được đảm bảo quyền lợi.

2. Vợ, chồng cùng nhau giáo dục con

- Vẫn còn các bậc cha mẹ quan niệm con gái chỉ cần học vừa đủ. Khi gia đình gặp khó khăn về kinh tế hoặc thiếu lao động thì các bậc cha mẹ thường nghĩ đến việc cho con gái nghỉ học, không xem xét khả năng các con. Một số bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con gái là con người ta nên ở nhà giúp đỡ bố mẹ một thời gian rồi đi lấy chồng.

Nhiều ông bố không quan tâm tới việc việc học hành của con mà giao phó hoàn toàn cho nhà trường và người mẹ. Nhiều ông bố cho rằng: bố nóng tính hay quát mắng con nên dạy con thường làm con sợ, khó tiếp thu bài.

- Song thực tế nam giới hoàn toàn có khả năng làm tốt và làm chu đáo tất cả các công việc giáo dục con, giúp con phát triển toàn diện bằng cách hướng dẫn, khuyến khích, quan tâm tới việc học tập của con như: Mua sách vở, đồ dùng học tập cho con; họp phụ huynh; đưa con đi học; hàng ngày kiểm tra sách vở, nhắc nhở con học bài; giải đáp thắc mắc của con; dạy con biết cách cư xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội; tâm tình, trò chuyện với con; động viên, khen ngợi khi con làm được những việc tốt.

- Cả bố và mẹ phải hiểu rằng việc học hành là cần thiết đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai, việc phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong giáo dục là vi phạm quyền trẻ em.

3. Trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản

- Vợ, chồng có kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ tự tin, chủ động lựa chọn và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản có lợi nhất.

- Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ có sức khoẻ, trẻ trung, nhan sắc tốt hơn; bên cạnh đó người chồng được hưởng hạnh phúc nhiều hơn do được vợ quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Gia đình có điều kiện và cơ hội phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn. Vợ, chồng có điều kiện tham gia hoạt động xã hội, được tận hưởng hạnh phúc nhiều hơn.

- Đời sống vợ chồng sẽ bền vững và hạnh phúc hơn khi cả nam và nữ đều chủ động tự nguyện kiểm tra sức khỏe trước khi đăng kí kết hôn, để biết về nhau xem có ai bị mắc các bệnh di truyền, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV… để sức khoẻ gia đình được tốt hơn.

- Khi vợ mang thai người chồng cần: giúp vợ làm việc nhà; đưa vợ đi khám thai; đảm bảo dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, động viên tinh thần cho vợ; không để vợ tiếp xúc với chất độc hại như phun thuốc trừ sâu…Sau khi sinh: vợ, chồng lựa chọn một biện pháp tránh thai phù hợp; cùng chăm sóc, nuôi dạy con với tất cả tình yêu thương và khả năng tốt nhất; cha và mẹ tạo điều kiện để các con được tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên.

4. Trong phòng, chống bạo lực gia đình

- Mọi người, đặc biệt là người chồng, phải chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến chống phân biệt đối xử với phụ nữ để nâng cao sự hiểu biết mọi mặt, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với vợ và người khác vì sự hoà thuận và hạnh phúc gia đình.

- Nam giới, người chồng hãy tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mại dâm,…

- Phụ nữ, người vợ chủ động tìm hiểu các quyền mà phụ nữ được hưởng theo quy định của pháp luật, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với chồng và mọi người trong gia đình.

- Người bị bạo hành cần báo ngay với với các tổ chức, cơ quan có chức năng để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết.

- Mỗi người dân khi phát hiện các trường hợp bị bạo hành phải báo ngay cho lực lượng an ninh địa phương biết để xử lý kịp thời.

5. Vợ, chồng cùng tham gia bàn bạc, quyết định các vấn đề của gia đình như: Phát triển kinh tế gia đình, mua sắm tài sản gia đình; định hướng nghề nghiệp cho  con…

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG GIA ĐÌNH

1. Trách nhiệm của gia đình

- Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.

- Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.

- Chăm sóc sức khỏe sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.

- Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.

2. Trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ:

- Tích cực học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới; đồng thời là thành viên tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới.

- Gương mẫu thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới;

- Chia sẻ công việc gia đình cùng chồng con, các thành viên trong gia đình để có thêm thời gian nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ, tham gia học tập nâng cao trình độ về mọi mặt và trình độ chuyên môn nghề nghiệp;

- Tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, quan tâm, ủng hộ giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, yếu thế vươn lên trong cuộc sống.

- Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới; ủng hộ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhà nước.

- Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và công dân.

3. Trách nhiệm của các cấp Hội phụ nữ

- Giáo dục, truyền thông và vận động xã hội thay đổi nhận thức về vai trò giới, bình đẳng giới trong gia đình

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động gia đình hội viên, phụ nữ thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình tới cán bộ, hội viên; tổ chức các hình thức truyền thông về bình đẳng giới trong gia đình nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6; tháng hành động bình đẳng giới;...

- Xây dựng các mô hình sinh hoạt tổ nhóm hoặc câu lạc bộ phụ nữ; tổ chức các diễn đàn trao đổi về bình đẳng giới; tổ chức thi tìm hiểu luật;...nhằm thu hút, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nam giới về bình đẳng giới; tập trung vào các nội dung như chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi giữa vợ và chồng, vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục con, phòng chống bạo lực gia đình;

- Tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở và đội ngũ công tác viên, huy động cả nam giới, trang bị kiến thức và kỹ năng lồng ghép giới cho thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp.

- Tham gia xây dựng, giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến gia đình, bình đẳng giới.

- Tổ chức các hình thức biểu dương, nêu gương các gia đình, cá nhân thực hiện tốt bình đẳng giới xây dựng gia đình hạnh phúc.

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các gia đình phấn đấu đạt bình đẳng giới trong gia đình như: hỗ trợ vốn, kiến thức để chị em có điều kiện khởi nghiệp tăng thu nhập khẳng định địa vị kinh tế; hỗ trợ đào tạo về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, khởi nghiệp; nuôi dạy con; tư vấn và dạy nghề....

- Tham gia tích cực vào tổ hòa giải để kịp thời giải quyết những mẫu thuẫn vợ chồng. Phối hợp với các ngành liên quan để phát hiện, ngăn chặn, can thiệp và xử lý nghiêm những vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền lợi phụ nữ trẻ em...

Xuân Hùng

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.115.121
Truy cập hiện tại 180