Tìm kiếm tin tức
Vai trò chủ thể của người dân và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Ngày cập nhật 02/05/2018

Thưa bà con và các bạn

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Với mục tiêu toàn diện: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh - trật tự; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Vì sao phải tiến hành xây dựng nông thôn mới?

Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là, xây dựng xã có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; nông thôn phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ; dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; an ninh tốt, quản lý dân chủ; chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao.

Thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, nhiều thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng nông sản còn thấp, bảo quản chế biến chưa gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với cơ cấu lao động, ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm. Thu nhập của nông dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã còn nhiều yếu kém; đời sống tinh thần của nhân dân còn hạn chế, nhiều nét văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một… Nước ta đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp, một nước công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó. Vì vậy, phải tiến hành xây dựng xã nông thôn mới.

Ai giữ vai trò nòng cốt, chủ thể trong xây dựng nông thôn mới?

Xây dựng nông thôn mới, nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nông dân. Vì vậy, người nông dân, và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. Họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng. Đóng góp công sức, tiền của để chỉnh trang nơi ở của gia đình mình, đầu tư cho sản xuất, đóng góp xây dựng các công trình công cộng của thôn, xã.

Cấp ủy, chính quyền xã là người trực tiếp tổ chức, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nhà nước giữ vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, đặt ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới như thế nào?

Người dân nông thôn được xác định là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, sự tự giác, tích cực tham gia của người dân là nhân tố quyết định sự thành công của chương trình. Mọi người đều có thể tham gia xây dựng nông thôn mới, các cháu bé học hành chăm ngoan, khoẻ mạnh, các cụ già vận động con, cháu thực hiện tốt nếp sống văn hoá ở cơ sở, chấp hành tốt pháp luật là đã tham gia xây dựng nông thôn mới.

Mục đích chính của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, mỗi người dân cần phải mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, quyết tâm vươn lên làm giàu một cách hợp pháp cho bản thân, gia đình và cũng chính là làm giàu cho xã hội; cần mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm, giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh gây ra; đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, nhân dân phải tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị....về chuyển giao các tiến bộ khoa học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo hướng dẫn ngành chuyên môn cấp trên...

Nhiệm vụ của người dân thể hiện ở các nội dung: 

- Tích cực tham gia phát triển sản xuất; Tham gia các lớp đào tạo nghề để tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; liên kết sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho chính mình.

-  Tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt trong xây dựng các công trình của hộ gia đình, cũng như trong phát triển sản xuất. 

- Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới; Đưa trẻ đến trường học mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học, cùng với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục con em, động viên con em trong độ tuổi đi học đến trường và học hành chăm chỉ, không có tình trạng bỏ học giữa chừng.

- Tham gia tổng vệ sinh theo phát động của chính quyền, đoàn thể; sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, thu gom rác thải sinh hoạt theo quy định; chăm sóc sức khoẻ y tế ban đầu, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Sử dụng điện an toàn …

- Tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

- Tham gia cùng với Nhà nước, đoàn thể trong việc xây dựng, bảo vệ các công trình giao thông của xã,

- Thực hiện chỉnh trang nơi ở của gia đình như nhà ở sạch sẽ, có nước sạch để dùng, có nhà vệ sinh, bố trí chăn nuôi xa khu dân cư; đảm bảo vệ sinh môi trường; cải tạo vườn tạp, ao hồ, làm tường rào quanh nhà để tạo cảnh quan đẹp; có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng, giữ đường thôn, ngõ xóm trước nhà sạch, đẹp; thực hiện tốt các quy định của Nhà nước khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, và vận động cộng đồng cùng tham gia với Nhà nước để xây dựng nông thôn mới. Tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn xã.

- Tham gia cùng chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở trong công tác vận động, tuyên truyền người dân và cộng đồng xây dựng nông thôn mới.

1. Trách nhiệm của các chi bộ Đảng

Các chi bộ thôn cần tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên hiểu đúng, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó cấp ủy Đảng, cấp chính quyền đóng vai trò chỉ đạo điều hành. Thông qua các buổi họp chi bộ, các chủ trương, chính sách và nội dung 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới được truyền tải tới các Đảng viên.

Cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

- Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới; tích cực đóng góp ý kiến, tham gia các phong trào, thi đua xây dựng nông thôn mới.

- Gương mẫu tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đoàn thể mình; đồng thời vận động mọi người cùng hưởng ứng.

2. Trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc

- Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bằng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉnh trang ngõ xóm xanh sạch đẹp, văn minh. Mặt trận và các đoàn thể cần thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thường xuyên, công khai, phổ biến cho đoàn viên, hội viên, Ban chấp hành các đoàn thể và quần chúng nhân dân tại các buổi sinh hoạt cụ thể từng nội dung, từng tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới. Để từ đó, giúp nhân dân hiểu rõ, và tham gia các công trình phúc lợi của địa phương, hiến đất làm đường, sớm bàn giao mặt bằng các công trình xây dựng cơ bản hạ tầng; đồng thời, tham gia kiểm tra giám sát, các công trình xây dựng về thiết kế công trình, quy mô và thời gian hoàn thành các công trình. Phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

3. Trách nhiệm của Hội phụ nữ

Triển khai nội dung của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thông qua các buổi họp hay qua cán bộ phụ nữ thôn, cụ thể như sau:

- Tổ chức các hoạt động như hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình; “ Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”; “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”;… là những biện pháp tuyên truyền hiệu quả, khơi dậy được tiềm năng to lớn, sức sáng tạo, truyền thống nhân ái, ý thức tự nguyện giúp nhau.

- Thông qua các tổ nhóm như: “ Vay vốn – tiết kiệm”, các mô hình lồng ghép dân số, sức khỏe sinh sản…. để thu hút sự tham gia của phụ nữ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thưa các chị em phụ nữ

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được bắt đầu triển khai từ năm 2010. Với các tiêu chí phù hợp với nhiều tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ việt nam đã quyết định lấy cuộc vận động xây dựng Gia đình 5 không 3 sạch làm nòng cốt nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” được Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động năm 2010 trên phạm vi toàn quốc. Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 11 xác định tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” nhằm góp phần vận động, hướng dẫn phụ nữ thực hiện xây dựng Nông thôn mới.

8 tiêu chí của Gia đình 5 không 3 sạch:

1.Không đói nghèo

2.Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội

3.Không có bạo lực gia đình

4.Không sinh con thứ ba trở lên

5.Không có trẻ em suy dinh dưỡng, và trẻ em bỏ học

6.Sạch nhà

7.Sạch bếp

8.Sạch ngõ

Các tiêu chí của “Gia đình 5 không, 3 sạch” phù hợp với một số tiêu chí của Xây dựng Nông thôn mới, đều hướng tới xây dựng gia đình và cộng đồng với mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và cộng đồng.

Thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” ở tất cả các hộ gia đình chính là góp phần thực hiện tốt các tiêu chí và mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện tốt 8 tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đóng góp trực tiếp vào thực hiện 9 tiêu chí Xây dựng Nông thôn mới, đó là các tiêu chí 2, 9, 10, 11, 14, 15, 16, 17, 19:

-Nội dung “Gia đình không đói nghèo”: góp phần thực hiện tiêu chí 9 (về nhà ở dân cư), tiêu chí 10 (về thu nhập), tiêu chí 11 (về hộ nghèo).

- Nội dung “Gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”: góp phần thực hiện tiêu chí 16 (về văn hóa), tiêu chí 19 (về an ninh, trật tự xã hội).

- Nội dung “Gia đình không có bạo lực”: góp phần thực hiện tiêu chí 16 và tiêu chí 19.

- Nội dung “Gia đình không sinh con thứ ba trở lên”: góp phần thực hiện tiêu chí 16 (về văn hóa).

- Nội dung “Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học”: góp phần thực hiện tiêu chí 14 (về giáo dục), tiêu chí 15 (về y tế).

- Nội dung “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”: góp phần thực hiện tiêu chí 2 (về giao thông), tiêu chí 17 (về môi trường).

Thưa bà con và các chị em phụ nữ

Hội viên phụ nữ và mỗi người dân trong cộng đồng cần tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, vì Nông thôn mới mang lại lợi ích tích cực cho gia đình mỗi hội viên, phụ nữ và cả cộng đồng:  

- Hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp và kiên cố hóa (tiêu chí số 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9): hệ thống điện, đường, trường, chợ, bưu điện, thủy lợi đạt chuẩn sẽ tạo được sự thuận lợi cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Giao thông thuận tiện làm cho chi phí vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp giảm, dễ vận chuyển sản phẩm ra thị trường hơn. Hệ thống tưới tiêu, thủy lợi được kiên cố hóa giúp người nông dân chủ động trong sản xuất theo mùa vụ. Là lực lượng lao động quan trọng ở nông thôn hiện nay, phụ nữ sẽ được hưởng lợi ích từ việc phát triển sản xuất trong một vùng nông thôn mới, từ đó tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Chợ được quy hoạch sẽ giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng, vệ sinh hơn.

Phụ nữ là người đang phải đảm nhiệm chính các công việc trong gia đình, nên họ sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích khi hàng ngày đi chợ, đưa con đi học, chăm bón ruộng vườn, công việc nấu nướng luôn được đảm bảo và an toàn.

- Giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường được quan tâm phát triển (tiêu chí 14, 15, 16, 17): hệ thống giáo dục đồng bộ và chất lượng tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, giảm tỷ lệ mù chữ, nâng cao trình độ học vấn, giúp trẻ em có kiến thức và kỹ năng, tăng cơ hội có việc làm tốt và ổn định cho con em mình. Ngoài ra, mọi thành viên trong gia đình được nâng cao kiến thức, biết cách sống khoa học, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Y tế phát triển cải thiện và nâng cao chất lượng sức khỏe cho phụ nữ, và những người thân trong gia đình, giúp chăm sóc sức khỏe dự phòng ở ngay tại địa phương, nhờ đó giảm chi phí do phải đi chữa bệnh ở tuyến trên.

Môi trường xanh – sạch – đẹp, nghĩa là người dân, trong đó có phụ nữ, được sử dụng nước sạch, nhà tiêu (nhà xí) hợp vệ sinh, giảm ô nhiễm môi trường (do nghĩa trang địa phương được quy hoạch, các cơ sở sản xuất kinh doanh cam kết bảo vệ môi trường và xử lý chất thải, nước thải trước khi đổ ra môi trường). Như vậy sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp mọi người dân có cuộc sống trong lành, khỏe mạnh, giảm chi phí chăm sóc y tế.

Có nhà văn hóa, các hoạt động văn hóa, tinh thần như các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại thôn, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

- Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã giúp người dân phối hợp tốt hơn trong sản xuất, nhờ đó nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng của người dân và hộ gia đình.

- Hệ thống chính quyền, tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo: Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong sạch vững mạnh sẽ củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo sáng suốt, đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; người dân luôn được quan tâm, được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương một cách công bằng, cùng nói, cùng bàn, cùng làm và kiểm tra, giám sát các chủ trương, các hoạt động có ảnh hưởng lớn thay đổi cuộc sống của người dân, phát huy dân chủ công khai của người dân trong mọi việc... Trật tự an ninh xã hội được đảm bảo là môi trường an toàn để mỗi người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh và sinh sống.

Thưa toàn thể các chi em phụ nữ

Hội viên phụ nữ tham gia thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới thông qua việc thực hiện tốt Cuộc vận động ”Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Chị em cần làm những việc cụ thể sau:

- Nắm chắc nội dung 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, vận động người thân trong gia đình và hàng xóm láng giềng thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, đăng ký và cam kết thực hiện gia đình “5 không 3 sạch” gắn với gia đình văn hoá và xây dựng nông thôn mới.

- Phát huy vai trò, vị trí là người vợ, người mẹ trong gia đình; là người gắn kết các thành viên trong gia đình bằng tình yêu thương, tạo dựng sự đoàn kết, bình đẳng, hoà thuận trong gia đình. Bản thân làm gương cho con và những người thân trong gia đình để cùng nhau củng cố các mối quan hệ tốt đẹp, phòng tránh bạo lực gia đình. Thực hiện tốt chính sách dân số.

- Tổ chức tốt cuộc sống gia đình, có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm; Phân công công việc gia đình hợp lý cho các thành viên; thực hiện nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, không để con bị suy dinh dưỡng và bỏ học. Công bằng trong đối xử với con trai và con gái.

- Chăm chỉ lao động và, động viên các thành viên gia đình tích cực tham gia lao động; Tích cực học hỏi, dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo; chủ động tham gia các phong trào phát triển kinh tế do Hội phát động, nhằm sử dụng và phát huy hiệu quả đồng vốn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng; Mạnh dạn học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, phê phán ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, phần đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. 

- Giữ gìn vệ sinh trong gia đình, đường làng ngõ xóm xanh – sạch – đẹp, bảo vệ môi trường sống của gia đình và mọi người xung quanh, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường; Thực hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật.  

- Cung cấp thông tin để Hội phụ nữ cơ sở làm tốt công tác giám sát việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, và của địa phương về chương trình xây dựng Nông thôn mới.

4. Trách nhiệm của Hội nông dân

Hội nông dân có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng phát triển kinh tế hộ gia đình, huy động nguồn lực từ các hộ để tham gia xây dựng nông thôn mới. Các nội dung tuyên truyền có thể lồng ghép trong các buổi họp hoặc các lớp tập huấn kỹ thuật, hoặc vận động từng hội viên…

- Đẩy mạnh việc, giới thiệu những mô hình nông dân sản xuất giỏi; Hỗ trợ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trồng rừng bền vững. Đồng thời vận động và kết nối với các doanh nghiệp giúp nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra; phối hợp với các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho các mô hình phát triển kinh tế.

- Phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, phong trào xây dựng nông dân văn hóa, làng, xã văn hóa. Tổ chức việc tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến tận cán bộ, hội viên; tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

5. Trách nhiệm của Đoàn Thanh niên

Vai trò của các đoàn thể là rất lớn, thanh niên với vai trò xung kích đi đầu trong các hoạt động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Xây dựng nông thôn mới vai trò của Đoàn Thanh niên hay Thanh niên nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới:

- Thứ nhất, đoàn viên là người xung kích đi đầu vận động thanh niên nông thôn tham gia học tập, nâng cao trình độ, tổ chức và xây dựng các phong trào thanh niên tại địa phương như: phong trào thanh niên lập nghiệp, thanh niên nông thôn trong công tác bảo vệ môi trường, thanh niên nông thôn trong công tác phong trào văn nghệ, văn hóa của địa phương.

- Thứ hai, từng đoàn viên thật sự là người tuyên truyền viên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trước hết vận động gia đình, hàng xóm hiểu rõ được vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, mỗi gia đình có đoàn viên thanh niên đi đầu trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới như: tích cực gia tăng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bản thân và hộ gia đình, tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường...

- Thứ ba, thông qua các hoạt động tuyên truyền vận động tham gia xây dựng nông thôn mới, bằng các hoạt động cụ thể như: vận động nông dân hiến đất và góp ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới; tham gia kiểm tra giám sát tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng; tích cực tham gia phát triển sản xuất, vận động nông dân liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để giúp đỡ, hỗ trợ nông dân đầu vào, đầu ra được thuận lợi; tích cực vận động nông dân áp dụng các kiến thức về khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các ngành nghề; hỗ trợ vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, xây dựng các công trình hầm biogas, nhà vệ sinh…từ đó góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.

Điểm nổi bật của thanh niên là có sức khỏe, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu; là lực lượng xung kích, đi đầu ủng hộ và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Động viên, khuyến khích họ tích cực tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới, trong đó phát triển nguồn nhân lực trẻ được coi trọng, là người chủ của xã hội trong vài năm tới. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện tốt chương trình, tham gia vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước, đoàn viên thanh niên nông thôn chủ động nâng cao trình độ học vấn, học nghề, thích ứng với quá trình hội nhập.

6. Trách nhiệm của Hội cựu chiến binh

- Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Hội Cựu chiến binh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó tập trung vào 5 nội dung chính.

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

+ Thực hiện các Chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nông nghiệp và nông thôn.

+ Áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.

+ Tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến của các Hợp tác xã.

+ Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển các hợp tác xã cựu chiến binh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

7. Trách nhiệm của Hội người cao tuổi

Với điều kiện sức khỏe, kinh nghiệm sản xuất và truyền thống văn hóa dân tộc, người cao tuổi đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình. Ở nông thôn, phần lớn người cao tuổi là chủ gia đình, là người tổ chức và điều hành sản xuất, là người chủ sở hữu tài sản, nhà cửa, ruộng đất… Mỗi người cao tuổi, họ có uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống, am hiểu tường tận phong tục, tập quán, tín ngưỡng; quán xuyến mọi hoạt động của làng, giải quyết công việc đối nội, đối ngoại và quan trọng nhất là biết đặt quyền lợi của cộng đồng làng lên trên hết.

Nhân dân cần làm gì để thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải tại nhà:

Rác thải trong sinh hoạt có 2 loại: rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ.

- Rác thải hữu cơ: là những rác thải có nguồn gốc từ sinh vật, chúng nhanh phân hủy trong môi trường như cây cỏ, thức ăn thừa, xác động thực vật...

- Rác thải vô cơ: là những rác thải không thể phân hủy hoặc khó phân hủy trong môi trường như: giấy, vỏ nhựa, thủy tinh, kim loại, cát, sạn...

Để thu gom, xử lý tốt rác thải tại nhà, mỗi gia đình cần phải có 2 giỏ đựng rác khác màu, một giỏ đựng rác thải hữu cơ và một giỏ đựng rác thải vô cơ.

Vì chất thải hữu cơ mau phân hủy, gây hôi thối nên hàng ngày gia đình đào hố chôn tại chỗ trong vườn nhà. Hố chôn phải có nắp đậy kín để nước không chảy vào, mùi hôi không bay ra. Rác thải trong hố chôn sau thời gian sẽ phân hủy hoàn toàn, sử dụng làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

Đối với giỏ đựng rác thải vô cơ, khi rác đầy giỏ thì bà con có thể phân làm 2 loại: các loại giấy, nhựa, kim loại...dùng để bán phế liệu, các loại còn lại như thủy tinh, đá sạn... cho vào Hố chôn rác vô cơ hoặc những nơi thu gom rác trong vùng.

Xã hội càng phát triển, lượng rác thải càng nhiều, là mối đe dọa thực sự đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy việc thu gom, xử lý rác thải tại gia đình là việc làm thường xuyên, có ý nghĩa quyết định nhằm bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và cũng chính là góp phần cùng địa phương đạt chuẩn về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Lê Xuân Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.272.672
Truy cập hiện tại 1.179