Tìm kiếm tin tức
Một số quy định của pháp luật về chăn nuôi gia súc
Ngày cập nhật 28/03/2018

Trong thời gian qua, việc chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Song song với việc phát triển đó vẫn còn một số tồn tại trong việc quản lý, chăn thả gia súc gây ảnh hưởng đến việc phát triển các cây trồng khác.

Để đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi cũng như người sản xuất các cây trồng khác. Căn cứ Bộ luật dân sự 2015; Căn cứ luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012; Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An ninh, trật tự, An toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình”; Nghị Định 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”; Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các hộ gia đình, cá nhân cần biết một số quy định của pháp luật về chăn nuôi gia súc để thực hiện đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi cũng như người sản xuất các cây trồng như sau:

1. Chủ nuôi gia súc:

- Không thả rông gia súc nơi công cộng.

- Không để gia súc phóng uế nơi công cộng; để gia súc phóng uế trên các trục đường thôn, xóm gây mất vệ sinh công cộng.

- Không để gia súc gây thiệt hại tài sản người khác.

- Không thả gia súc trong rừng trồng dặm cây non.

- Thực hiện chăn nuôi, chăm sóc gia súc đảm bảo theo các quy định hiện hành của Pháp luật nhất là đảm bảo về chuồng trại, tiêm phòng vắc xin….

- Thường xuyên theo dõi, kiểm soát gia súc, tránh tình trạng thả rông gây thiệt hại về người, tài sản…. và gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng các công trình công cộng.

- Chủ chăn nuôi phải bồi thường thiệt hại do gia súc gây ra cho người khác theo quy định tại điều 603 Bộ luật dân sự 2015.

2. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng:

- Trước hết các hộ gia đình, cá nhân khi tham gia sản xuất phải chủ động bảo vệ các tài sản do mình sản xuất.

- Phải báo cho thôn trưởng hoặc Tổ tự quản nơi mình cư trú khi phát hiện gia súc gây hại làm thiệt hại đến tài sản của mình, xác định mức độ thiệt hại ban đầu để có cơ sở khi xem xét giải quyết.

- Chủ động bảo vệ hiện trường, bắt giữ, trông coi gia súc khi có thể, không được có hành vi gây tổn hại đối với gia súc.

3. Biện pháp xử lý:

Chủ nuôi gia súc và hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng vi phạm các hành vi quy định sau thì bị xử phạt theo Luật và các Nghị định sau:

a) Vi phạm quy định về trật tự công cộng:

( Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ)

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối hành vi sau đây:

- Thả rông động vật nuôi nơi công cộng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sau đây:

- Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác.

3. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

 (Điều 29 Luật xử lý vi phạm hành chính)

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

b) Chăn thả gia súc trong những khu rừng đã có quy định cấm (Nghị định 157/2013/ NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ)

Người chăn thả gia súc trong những khu rừng đã có quy định cấm bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn thả gia súc trong rừng trồng dặm cây con, rừng trồng mới đến bốn năm tuổi, rừng khoanh nuôi tái sinh đã có quy định cấm chăn thả gia súc.

2. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu

(Điều 29 Luật xử lý vi phạm hành chính)

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

c) Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác.

(Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ)

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau đây:

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

2. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu

( Điều 29 Luật xử lý vi phạm hành chính)

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

d) Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung:

(Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ)

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng;

- Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

3. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu

( Điều 29 Luật xử lý vi phạm hành chính)

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

4. Đối với các chủ nuôi không chấp hành các quy định xử phạt:

Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để gia súc gây hại về người, tài sản và gây ô nhiễm môi trường không tuân thủ các quy định về xử phạt sẽ thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được quy định tại Điều 86 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Lê Xuân Hùng​

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.272.149
Truy cập hiện tại 1.041