Tìm kiếm tin tức
Vài nét về quá trình ra đời Chiến khu Dương Hòa
Ngày cập nhật 18/12/2015

 Vài nét về quá trình ra đời Chiến khu Dương Hòa

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta hết sức coi trọng việc xây dựng căn cứ địa kháng chiến, đây được xem là phương thức, biện pháp để thực hiện thành công đường lối kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi của Đảng, quân và dân ta. Căn cứ địa còn là nơi để quân và dân ta dựa vào đó xây dựng cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện phát triển lực lượng, tạo thành những thế trận vững chắc về chính trị, quân sự, ngoại giao... đồng thời là hậu cứ xuất phát, tiến công tiêu diệt kẻ thù.

Chiến khu Dương Hòa là một trong những minh chứng tiêu biểu về căn cứ địa kháng chiến ở Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 22km về hướng Tây Nam, với diện tích tự nhiên hơn 26.000 ha, phía Đông giáp xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), phía Tây giáp xã Bình Thành (thị xã Hương Trà), phía Nam giáp huyện Nam Đông, phía Bắc giáp xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) và xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Dương Hòa là một vùng đất có địa thế hiểm trở, đầu dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía cuối là nơi hợp lưu bởi hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch của dòng sông Hương như cánh tay ôm ấp, tạo nên thế biệt lập với núi non che chở, vừa gần đô thị Huế lại vừa sát với vùng nông thôn rộng lớn ở Hương Thủy, Phú Vang và Phú Lộc... Dương Hòa có một vị trí chiến lược quan trọng, với đầy đủ yếu tố tự nhiên đáp ứng được yêu cầu xây dựng Chiến khu, phục vụ kháng chiến lâu dài. Ngoài ra, Chiến khu Dương Hòa còn là cầu nối nằm trên tuyến đường giao thông Bắc - Nam; nơi đóng căn cứ các cơ quan đầu não của Thừa Thiên Huế và là mặt trận phía Nam của chiến trường Bình Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.  

Sau Hội nghị Nam Dương (tháng 3/1947), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thừa Thiên Huế chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn cầm cự củng cố lực lượng, phát triển chiến tranh du kích chuẩn bị cho Tổng phản công. Thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, quân và dân ta nỗ lực xây dựng căn cứ địa cách mạng nhằm tạo chỗ đứng vững chắc để lãnh đạo kháng chiến, những nỗ lực đó được đánh dấu bằng việc ra đời của Chiến khu Hòa Mỹ (1947) và đã tạo được sự chuyển biến to lớn cho quân và dân ta tiếp tục phát triển phong trào kháng chiến cao hơn nữa.

Tháng 3/1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo cho Huyện ủy Hương Thủy xây dựng Chiến khu ở phía Nam tỉnh, đưa Trung đoàn 101 cơ động từ Chiến khu Hòa Mỹ vào hoạt động và hỗ trợ phong trào ở phía Nam. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy Hương Thủy đã khảo sát tìm địa điểm và xây dựng Chiến khu, chuẩn bị đón bộ đội vào. Để mở rộng Chiến khu tạo thế liên hoàn, chủ động đối phó với các cuộc càn quét của thực dân Pháp, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã quyết định mở rộng xây dựng Chiến khu mới tại khe Rệ, dưới chân núi động Rệ, giáp động Mang Chang. Tuy nhiên, muốn xây dựng Chiến khu ở đây thì phải tiêu diệt đồn lính hương vệ của địch ở nhà thờ Dương Hòa gần thác Hộ, một đồn án ngự lợi hại của địch do linh mục Ngọc cầm đầu; đồn này không chỉ uy hiếp Chiến khu Nam Phương mà còn án ngự vùng khe Rệ, Lương Miêu (Dương Hòa).

Được sự chỉ đạo của cấp trên, ngày 18/4/1947 đồng chí Thân Trọng Một cùng đồng chí Lê Bá Khóa và đồng chí Lương chỉ huy đội quyết tử quân bí mật đột nhập vào xóm Buồng Tằm, bất ngờ tập kích, diệt gọn đồn lính hương vệ. Ngay sau đó, đồng chí Hồ Hiến- Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Hương Thọ cùng bộ đội chủ lực đã phát động quần chúng nổi dậy, phá tan Ngụy quyền các thôn: Lương Miêu, Dương Hòa, Đình Môn, La Khê, Kim Ngọc, Thạch Hàn… phát triển chiến tranh du kích, giành quyền làm chủ toàn bộ xã Hương Thọ, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn, từ Dương Hòa, Lương Miêu đến Chiến khu Phương Hải, đồng bằng Phú Vang và Nông Truồi – Phú Lộc.

Tháng 3/1948, địch tấn công lên Chiến khu Hòa Mỹ hòng phá hoại hậu cứ của ta, Tướng Lơ - Bờ - Rít (LeBrid) chỉ huy quân Pháp ở miền Trung đã ra lệnh cho cấp dưới: “Phải dập tắt các đống lửa du kích”, “Nguồn gốc đại họa chính là những căn cứ Việt Minh trên núi”. Địch tập trung 6 tiểu đoàn pháo binh, thiết giáp và máy bay yểm trợ, mở đợt tấn công lên Hòa Mỹ, nhưng sau 19 ngày hành quân, chúng phải rút lui trong thất bại. Quân và dân ta đã chủ động phản công bẻ gãy cận càn, tiêu diệt 160 tên địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Chiến khu Hòa Mỹ vẫn giữ vững là căn cứ kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế. Trước sự chuyển biến mới của tình hình kháng chiến và để thuận tiện cho công tác chỉ đạo phong trào cách mạng ở đô thị Huế và các huyện phía Nam, tháng 5/1948, các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh và các ngành từ Chiến khu Hòa Mỹ đều chuyển vào Dương Hòa. Từ đây, Chiến khu Dương Hòa được thành lập và trở thành nơi đóng trụ sở của các cơ quan đầu não kháng chiến của Tỉnh, như: Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Công an tỉnh, Bưu điện, cơ xưởng, nhà in, trường học, ngân hàng, kho tàng, bệnh xá... đã được củng cố và đi vào hoạt động.

Chiến khu Dương Hòa ra đời đánh dấu một giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở Thừa Thiên Huế, là một mốc son trong lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Ảnh hưởng của Chiến khu Dương Hòa đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho quân và dân ta hăng hái chiến đấu và chiến thắng quân thù trên khắp chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Trung đoàn 101 được xây dựng ngày càng vững mạnh. Phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm, bổ sung sức người sức của cho kháng chiến và đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho quân và dân ta làm bàn đạp xuất phát tiến công tiêu diệt địch, lập nên những chiến công hiển hách.

Vai trò và vị trí của Chiến khu Dương Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược

Với lợi thế về địa hình Dương Hòa chủ yếu là đồi, núi, dốc… liên kết với nhau theo kiểu hình lưng ngựa, chiều dài của dốc trung bình từ 50m đến 125m, có nơi lên đến trên 600m, vùng thấp hình thành thung lũng hoặc ngăn cách bởi sông, khe suối, tạo nên địa hình cheo leo chia cắt hiểm trở. Các khe suối lớn, nhỏ bắt nguồn từ động Mang Chang, đỉnh Thượng Hòa, núi Kê, núi Sa Trúc, khe Rệ, khe Dứa… chảy về các phía, rồi đổ ra sông Hương, nơi hợp lưu bởi hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch. Chiến khu Dương Hòa bao gồm địa phận xã Hương Thọ (Hương Trà), các vùng lân cận tiếp giáp với thôn Lương Miêu (còn gọi là CK2)... thuộc khu vực rừng núi của dãy Trường Sơn trùng điệp. Nơi đây, có đầy đủ yếu tố thiên thời, địa lợi để xây dựng căn cứ địa vững chắc cho các cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Sau khi các cơ quan lãnh đạo của tỉnh chuyển từ Chiến khu Hòa Mỹ vào Chiến khu Dương Hòa, việc lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh cũng có nhiều thuận lợi hơn trước:

- “Chiến khu Dương Hòa ở đoạn giữa của tỉnh, giao thông liên lạc giữa tỉnh với các huyện và thành phố Huế nhanh và thuận lợi hơn.

- Dương Hòa gần với vùng đất đai phì nhiêu, có nhiều đường đi lại, chúng ta có thể tổ chức nhiều tuyến vận chuyển, địch không thể kiểm soát hết, nhờ vậy nguồn tiếp tế Chiến khu khá dồi dào.

- Nhờ ở gần thành phố Huế, việc theo dõi âm mưu, chủ trương hành động của địch thuận lợi và kịp thời hơn.

- Từ trước đến nay, quân địch lấy việc ngăn chặn lực lượng của ta ở phía Bắc làm biện pháp chính để đối phó với lực lượng của ta. Nay chúng ta chuyển cơ quan chỉ đạo và phần lớn lực lượng vào phía Nam. Chúng ta đã nhằm trúng vào sơ hở quan trọng của địch”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù Thừa Thiên Huế là chiến trường ở phía Nam của Liên khu IV, nhưng không bị cô lập mà vẫn giữ được thế liên hoàn với hậu phương lớn là vùng tự do Liên khu V và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, vì có tuyến đường Trường Sơn xuyên Việt đi qua các Chiến khu của Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đến các cơ quan Liên khu IV ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các cơ quan Trung ương Đảng ở căn cứ Việt Bắc. Ngoài ra, đoạn đường Trường Sơn đi qua Thừa Thiên Huế từ trạm A Tép qua dốc Bút địa đầu miền núi Quảng Nam ra Nam Đông, Khe Tre đến các Chiến khu: Dương Hòa (Hương Thủy), Trò Trái (Hương Trà), Hòa Mỹ (Phong Điền) ra khe Mương, Hải Đạo, giáp tỉnh Quảng Trị. Dương Hòa còn nằm trên tuyến đường giao thông Bắc – Nam và là cầu nối giữa Liên khu IV và Liên khu V, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đây còn là nơi dừng chân của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước: Năm 1947, đồng chí Nguyễn Húng và đồng chí Nguyễn Chi tổ chức vận chuyển 30 khẩu súng của Liên khu V chi viện cho huyện Phú Lộc theo đường Trường Sơn. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Liên khu IV, của Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên thường đi lại trên con đường này, như: Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Trần Văn Quang, Đặng Thí, Chu Văn Biên, Trần Lâm, Trần Quý Hai. Năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng từ Nam ra Bắc; đoàn công tác của đồng chí Lê Đức Thọ từ Bắc vào Nam đều có nghỉ lại tại Chiến khu. Năm 1950, các đoàn Đại biểu Nam bộ, Liên khu V... đi ra Bắc dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đều dừng chân 3 ngày ở Chiến khu. Năm 1952, đoàn đồng chí Lê Duẩn từ Nam bộ ra Việt Bắc đã ở lại làm việc gần một tuần tại Chiến khu, cùng các đoàn cán bộ, bộ đội, dân công... đi công tác vào Nam ra Bắc đều được đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn.

Ngoài cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính đóng ở Lương Miêu, Dương Hòa, còn có căn cứ của các cơ quan phục vụ kháng chiến như: Cơ xưởng, Nhà in, Trường học, Ngân hàng, Kho tàng đóng từ khe Rệ đến chân động Mang Chang; các cơ quan đoàn thể, đơn vị Bộ đội, Công an đóng ở Dương Hòa, Đình Môn, Kim Ngọc để thường xuyên cơ động về đồng bằng; Công ty kinh tài Việt Phú và Ty Lương thực đóng gần thác Hộ để thu mua, tiếp nhận gạo, lúa, hàng hóa từ đồng bằng lên; Huyện ủy Hương Thủy đóng ở xóm Lụ; Huyện ủy Hương Trà đóng ở Đình Môn (1948); khe Dứa là nơi các cơ quan Bệnh viện đóng; từ cây Chò lên khe Dài là kho xưởng và nhà in; Đại đội 114, 115, 116, Tiểu đoàn 319 đóng ở quanh Đình Môn; Trung đoàn 101 và Trung đội 7 đóng ở Lương Miêu (CK2); Thành ủy, Thành đội đóng ở chân động núi Mang Chang; cây Nhãn (Lương Miêu) là nơi đóng trụ sở của Ban Tuyên huấn; đồi Voi – khe Túi là nơi thành lập Đại đội vũ trang 116 Hương Thủy (1961); bến đò Lương Miêu, Tân Ba là nơi tiếp nhận, đưa đón quân ta qua về, từ đồng bằng lên Chiến khu và ngược lại…

Để giải quyết vấn đề lương thực và dự trữ cho Chiến khu, một mạng lưới thu mua lương thực được hình thành. Theo đà phát triển, các mặt hàng lương thực, thực phẩm được vận chuyển từ Chiến khu về Huế và từ Huế lên Chiến khu như: Vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm, lương thực... và những loại trái cây như: Thanh trà, bưởi, cam, quýt, dâu... cùng các loại mặt hàng lâm thổ sản. Các mặt hàng này được tập kết tại thôn Hạ, gần bến đò Tân Ba và từ đó phân bổ về các vùng lân cận; cùng với việc các chị em tiểu thương đến buôn bán, quán xá cũng bắt đầu mọc lên như: Quầy tạp hóa, quán café giải khát, quán cắt tóc, quán cơm, phở, tiệm ảnh... tạo điều kiện cho việc hình thành ngôi chợ và trở thành trung tâm giao lưu buôn bán giữa đồng bằng với Chiến khu, đồng thời là nơi tiếp tế hàng hóa, cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho Chiến khu. Theo các nhân chứng kể lại vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thì chợ có nhiều quán xá đông vui và sầm uất, các quán này nằm quay mặt lại với nhau, tạo thành hai dãy lều tranh nằm song song, với hệ thống các cột lồ ô chống đỡ phần mái (mái ở đây được lợp bằng tranh săng). Phía sau lưng chợ là một dãy hầm hào để tránh phi pháo của địch. 

Căn cứ kháng chiến ở Chiến khu Dương Hòa đã tạo thế và lực mạnh, đảm bảo cho quân và dân Thừa Thiên Huế liên tục tấn công địch, lập nên nhiều chiến công vang dội. Chiến khu Dương Hòa đã khẳng định được vị trí và vai trò chiến lược, đó là:

- “Ta giành được thế làm chủ và giành được dân vùng giáp ranh miền núi.

- Ta xây dựng được thế trận liên hoàn miền núi, đồng bằng, thành phố.

- Ta giữ vững được đường Trường Sơn đảm bảo mối liên hệ thông suốt với vùng tự do của Liên khu IV là Thanh - Nghệ - Tĩnh, hậu phương vững mạnh”.Nhân vật, sự kiện diễn ra tại di tích

Sau khi Chiến khu Dương Hòa được thành lập, thực dân Pháp nhận định đây là cơ quan đầu não của phong trào kháng chiến ở Thừa Thiên Huế và trở thành cái gai trong mắt của thực dân Pháp, do đó, chúng thường xuyên tổ chức nhiều đợt tấn công lên Chiến khu, từ cấp Đại đội đến cấp Trung đoàn, từ phía ngã ba Bãng Lãng (ngã ba Tuần) lên đến Tân Ba, Đồng Tân (xã Phú Sơn)… nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, những đợt tấn công của chúng đều thất bại.

Đầu tiên là cuộc tấn công thăm dò lên Chiến khu Dương Hòa vào tháng 8/1948. Trong vòng một tháng, chúng huy động hơn 300 quân Pháp đánh vào Dương Hòa, nhưng quân và dân Chiến khu dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi, khe suối đánh chặn đẩy lùi quân địch.

Bước sang năm 1949, phong trào kháng chiến ở Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển. Quân địch liên tiếp bị thất bại, tinh thần binh lính và bọn tay sai hoang mang, ngược lại nhân dân ta ngày càng hăng hái tham gia vào lực lượng dân công, hỏa tuyến, dân quân du kích, bộ đội… ủng hộ kháng chiến.

Để cứu vãn tình thế, từ ngày 25/2/1949 đến ngày 14/3/1949, địch tập trung 2.000 quân có máy bay yểm hộ chia làm 3 cánh hành quân đánh phá Chiến khu Dương Hòa, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của tỉnh. Cánh thứ nhất theo đường bộ và đường thủy tiến lên Đình Môn và đánh vào Chiến khu Dương Hòa. Cánh thứ hai tiến lên Bình Điền theo Khe Cát đánh vào dãy núi phía sau Chiến khu. Cánh thứ ba từ Phú Bài lên Dạ Lê Thượng tiến lên sát bờ sông Tả Trạch và dừng lại ở vùng Vĩ Dạ. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo các cơ quan và nhân dân sơ tán, hạn chế tổn thất, đồng thời chỉ đạo bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an, dân quân du kích chống càn nhằm ngăn chặn cuộc tấn công càn phá của địch, bảo vệ các cơ quan của Chiến khu. Sau 20 ngày chiến đấu và phối hợp chiến đấu, bảo vệ Chiến khu, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 350 tên địch.

Ngày 19/6/1952, Bộ chỉ huy Pháp tiếp tục chủ trương đánh vào Chiến khu Dương Hòa. Chúng huy động tiểu đoàn 27 Âu - Phi, tiểu đoàn 2 Bắc - Phi tấn công lên Chiến khu Dương Hòa, nhằm bao vây và tìm diệt cơ quan Chỉ huy kháng chiến của ta, phá Chiến khu, gây ảnh hưởng chính trị.

Trưa ngày 20/6/1952, địch chia làm 3 cánh (một cánh từ Dạ Lê lên xóm Lụ qua Dương Hòa, một cánh từ Tuần lên ngã Đình Môn qua Dương Hòa và một cánh theo sông Hương từ Huế lên) để cướp phá, đốt cháy chợ Dương Hòa, càn quét, đốt phá nhà cửa, tài sản của nhân dân, nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta ở Chiến khu.

Được lệnh của Bộ chỉ huy Mặt trận, Trung đoàn trưởng Lê Thuyết và Trung đoàn phó Triệu Huy Hùng chỉ huy Trung đoàn 101 cấp tốc hành quân từ Quảng Điền, Phong Điền, vượt qua chặng đường rừng gần 30km, tiến về Dương Hòa. Sáng ngày 21/6/1952, vừa đến nơi, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 101 đã dàn trận địa, áp sát mục tiêu, chờ lệnh nổ súng. Ta bố trí Tiểu đoàn 319 và Tiểu đoàn 436 đánh ở chợ Dương Hòa. Tiểu đoàn 328 chốt ở Cầu Trầu (giữa địa phận Đình Môn và Dương Hòa). Đúng 13 giờ 30 phút, các mũi xung kích bất ngờ tiến công, địch bị ta tập kích bất ngờ bỏ chạy tán loạn vào rừng, không hề có sự kháng cự, sau 15 phút nổ súng, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch.

Cùng lúc đó, phía Nam Dương Hòa, bộ đội ta từ phía núi đánh thẳng vào chợ, vòng vây đã khép kín, cả hai Đại đội 113 và 114 của địch đóng giữ ở chợ Dương Hòa hoàn toàn bị tiêu diệt.

Trận vận động chiến ở Chiến khu Dương Hòa của quân và dân Thừa Thiên Huế diễn ra giữa ban ngày, kết quả ta đã diệt 350 tên, bắt sống 38 tên, thu 71 súng trung liên, 15 súng tiểu liên, 25 súng cối, 37 súng trường.

Hòng vớt vát nguy cơ sa lầy ở Thừa Thiên Huế, ngoài việc cải tiến lại bộ máy ngụy quyền, thực dân Pháp đã cách chức tỉnh trưởng Tôn Thất Đàn, đưa Nguyễn Đức Duyên lên thay, thúc giục tay sai ráo riết bắt lính, xây dựng ngụy quân. Trong tháng 6 và 7 năm 1952, chúng đã bắt gần 3.000 thanh niên đi lính, xây dựng và củng cố 7 tiểu đoàn ứng chiến, 15 tiểu đoàn chiếm đóng, trang bị thêm xe bọc thép và đại bác các cỡ, tiếp tục càn quét cướp lúa gạo ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang. Chúng tăng giá gạo thu mua để đồng bào ở vùng tự do đem gạo vào bán ở vùng tạm chiếm; thay đổi thủ đoạn càn quét, tìm diệt Trung đoàn 101, bao vây ngăn chặn việc tiếp tế cho Chiến khu Dương Hòa với các trận càn mang tên “Chiến dịch Châu chấu”, “Chiến dịch Cá sấu”.

Chính trong hoàn cảnh này, quân và dân Thừa Thiên Huế càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch, phải luôn cẩn thận và cố gắng để tranh thủ thắng lợi to lớn hơn nữa”, nhờ đó những khó khăn do thiên tai, địch họa gây nên dần được đẩy lùi, nhân dân Chiến khu vẫn đoàn kết, tháo gỡ từng khó khăn, tìm cách giữ vững những thành quả đạt được. Nhiều cán bộ lãnh đạo của thành phố, huyện Hương Thủy, Phú Vang vẫn kiên cường bám trụ ở Lương Miêu, xây dựng cơ sở bí mật ở Dương Hòa, Đình Môn, để liên lạc về đồng bằng và thành phố. Đây chính là cơ sở để Chiến khu Dương Hòa tiếp tục thể hiện vai trò của mình từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Dương Hòa bị địch chà đi, xát lại, nhưng Dương Hòa vẫn là căn cứ địa của cách mạng. Từ mùa Thu năm 1963 trở đi, cao trào đánh phá ấp chiến lược trên toàn miền Nam phát triển mạnh mẽ, làm cho kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị thất bại về cơ bản. Ở Thừa Thiên Huế, hoạt động đánh phá ấp chiến lược, đánh vào các vị trí hoạt động của địch, phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị… diễn ra mạnh mẽ đã làm cho bọn ngụy quyền dao động và lo sợ.  

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế địa phương, xác định nhiệm vụ giành lại nông thôn, đồng bằng trong năm 1964 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh. Tỉnh ủy đã quyết định khởi nghĩa thí điểm ở Hương Thọ và tập trung cán bộ gồm: Bí thư, Phó Bí thư, Huyện ủy viên phụ trách quân sự về các huyện tiếp thu Nghị quyết, tập huấn cách phát động quần chúng khởi nghĩa. Đội vũ trang phát động quần chúng phá thế kềm kẹp được thành lập gồm 38 đồng chí, do đồng chí Văn và đồng chí Sĩ chỉ huy, có sự tham gia chỉ đạo của đồng chí Hoàng, phụ trách quân sự liên tỉnh và đồng chí Trương Đình Hối, Tỉnh ủy viên chỉ đạo. Toàn đội công tác chia làm 4 mũi:

- “Mũi Lương Miêu - Dương Hòa - Thác Hộ, do đồng chí Văn và đồng chí Hà chỉ huy.

- Mũi Đình Môn - Kim Ngọc, do đồng chí Bính và đồng chí Quyệt chỉ huy.

- Mũi La Khê - Trẹm - Thạch Hàn, do đồng chí Hạo và đồng chí Chinh chỉ huy.

- Mũi Hải Cát Thượng - Hải Cát Hạ - La Khê bãi, do đồng chí Bằng và đồng chí Dưỡng chỉ huy”.

Đầu tháng 2/1964, các mũi bắt đầu phát động quần chúng khởi nghĩa. Cán bộ, chiến sỹ với quyết tâm cao, mưu trí, dũng cảm, chịu đựng gian khổ, bám địch, bám dân và đánh giá đúng tình hình tương quan lực lượng, nên đã lập được nhiều thành tích trong việc tấn công vào các mục tiêu của địch. Trong đó mũi Lương Miêu – Dương Hòa đã sử dụng nội ứng đánh tan một trung đội bảo an quận đang trực tiếp kềm kẹp ở hai thôn này, ta thu được nhiều vũ khí và bắt tên trung đội trưởng, nhân dân phấn khởi, nổi dậy phá tan hàng rào ấp chiến lược, trực tiếp phục vụ bộ đội chiến đấu. Sau đó mũi công tác này tiếp tục triển khai đánh địch ở Đình Môn, La Khê, Kim Ngọc.

Ngoài ra, các mũi khác của đội Công tác vũ trang đã phát động quần chúng tiến công các vị trí của địch. Ngày 22/3/1964, địch hành quân lên càn quét nhiều thôn vừa được giải phóng, thì bị Tiểu đoàn 802 tập kích tiêu diệt hơn 20 tên tại thôn Đình Môn. Sau một tháng liên tục đánh địch và phát động quần chúng, ta đã xây dựng được chính quyền tự quản, tổ chức Mặt trận dân tộc giải phóng và các đoàn thể lần lượt ra đời ở các thôn: Đình Môn, Lương Miêu, Dương Hòa, Thác Hộ, Kim Ngọc, La Khê và Thạch Hàn.

 Sau thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ triển khai chiến lược“Chiến tranh cục bộ”, dồn dân vào các ấp chiến lược nhằm bẻ gãy sức mạnh của quân và dân ta, tách người dân ra khỏi chính quyền và các lực lượng kháng chiến, lập vành đai trắng, sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, tối tân và vũ khí hủy diệt để tiêu diệt quân giải phóng.

Tháng 11/1964, người dân ở trong vùng Chiến khu Dương Hòa bị quân đội Mỹ dồn vào khu định cư Hòa Lương (khu vực làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng). Thế nhưng, các gia đình trung kiên, các chị, các mẹ như: Mẹ Đậu (người nuôi giấu đồng chí Hoàng Lanh), O Phong (nguyên cơ sở cách mạng) vẫn giữ liên lạc và tiếp tục làm đường dây giao liên, vận chuyển thông tin, nhu yếu phẩm, thuốc men... từ vùng địch lên Chiến khu. Họ đã âm thầm chiến đấu và chịu đựng bao gian khổ hy sinh cho đến ngày toàn thắng. Năm 1965, địa điểm dốc Bốm là nơi quân và dân ta tập kích tiêu diệt đại đội thám báo của ngụy. Năm 1966, du kích các xã Hương Thọ, Nguyên Thủy bao vây quân địch đóng ở điểm cao động Hoàng, bảo vệ vùng giải phóng ở Đình Môn, Dương Hòa.

Từ Xuân Mậu Thân 1968 và Xuân 1975, Dương Hòa là nơi các cơ quan lãnh đạo của Phú Vang, Hương Thủy, thành phố Huế và các lực lượng vũ trang làm bàn đạp tiến về Huế và đồng bằng. Đêm 29/8/1968, quân Mỹ mở cuộc hành quân quy mô lớn tấn công nhiều hướng vào cơ quan Thành ủy, Thành đội đóng ở chân núi động Mang Chang, lực lượng của ta chặn đánh quyết liệt các mũi tiến quân của địch, căn cứ chỉ huy của Mỹ ở đồi Tân Ba trước mặt Lương Miêu, Dương Hòa bị bộ đội Đặc công thành đội Huế tập kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn pháo, 1 đại đội bộ binh cùng ban chỉ huy hành quân, phá 12 đại bác, 1 máy bay lên thẳng phá tan cuộc hành quân của Mỹ.

Năm 1969, đế quốc Mỹ tổ chức nhiều cuộc càn quét lên Chiến khu, trước tình hình trên, các trung đội du kích xã Dương Hòa đã mưu trí, dũng cảm bám trụ kiên cường tổ chức đánh địch liên tục, đặc biệt là trận đánh của 5 đồng chí du kích trong xã đã anh dũng đánh trả một đại đội của Mỹ đi càn, tiêu diệt 5 tên và làm bị thương 5 tên. Đây là trận đánh không cân sức nhưng đã làm cho địch phải lùi bước khi tiến công lên Chiến khu Dương Hòa. Tháng 3/1973, lực lượng du kích xã Dương Hòa đã tổ chức đánh địch ở vùng Tân Ba - Lụ, tiêu diệt được 42 tên. Đến tháng 7/1973, lượng du kích xã tiếp tục đánh địch ở Đình Môn, tiêu diệt được 19 tên, làm cho âm mưu lấn chiếm của địch lên Chiến khu Dương Hòa bị thất bại hoàn toàn. Cùng với quân và dân Thừa Thiên Huế, những đóng góp tích cực trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân và dân ở Chiến khu Dương Hòa đã góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Dương Hòa là vùng an toàn khu của quân và dân Thừa Thiên Huế. Sự an toàn đó được thể hiện khi Tỉnh ủy quyết định chọn Dương Hòa làm nơi tổ chức các kỳ Đại hội đại biểu của Đảng bộ tỉnh:

- Lần thứ I, Đại hội diễn ra từ ngày 17-27/4/1949, đã đề ra các nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, các tổ chức quần chúng, chính quyền, mặt trận, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng Đảng nhằm mục tiêu “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”.

- Lần thứ II (tại khe Rệ) Đại hội diễn ra từ ngày 02-15/5/1950, đã ấn định những nhiệm vụ mới, tập trung xây dựng các lực lượng vũ trang, tổng động viên nhân tài vật lực trong tỉnh, đưa cuộc kháng chiến tiến lên giai đoạn mới.

- Lần thứ III, Đại hội diễn ra từ ngày 20-24/7/1951, đã kiểm điểm tình hình và đánh giá kết quả hoạt động mọi mặt của phong trào cách mạng toàn tỉnh từ sau Đại hội lần thứ II, vạch ra nhiệm vụ chuẩn bị chuyển sang tổng phản công; đẩy mạnh công tác quân sự, kinh tế, tài chính đảm bảo yêu cầu mới của cách mạng, góp phần tích cực đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Cuối tháng 10/1953, Tỉnh ủy tiếp tục chọn Chiến khu Dương Hòa để mở Hội nghị cán bộ Chính trị và phát động phong trào thi đua “giết giặc lập công” góp phần phối hợp với các chiến trường trong cả nước. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị, quân và dân ta tấn công hàng loạt vị trí đồn bốt của giặc, giải phóng nhiều thôn, xã. Những thắng lợi liên tiếp trên mặt trận quân sự đã gây cho địch những thất bại nặng nề, đẩy chúng vào thế bị động, không kịp trở tay. Những thắng lợi đó còn hỗ trợ tích cực cho quần chúng nổi dậy đánh phá hệ thống kềm kẹp của địch, làm tê liệt các Hội tề, Hương vệ của địch; giành quyền làm chủ, đẩy mạnh công tác địch vận, lôi kéo hằng trăm binh lính địch bỏ ngũ về với kháng chiến.

Ngoài ra, tại Chiến khu Dương Hòa còn diễn ra nhiều cuộc họp, các lớp tập huấn, bồi dưỡng học tập Nghị quyết của Đảng…  

Những chiến công vang dội của Chiến khu Dương Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khẳng định ưu thế của thế trận chiến tranh nhân dân, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện. Với vị thế như vậy, Dương Hòa trở thành Chiến khu bất khả xâm phạm.

Cũng nơi đây “Ghi chiến công đầu”

Giặc bỏ xác khe Trầu – khe Rệ

Phải tháo lui mụ Khâm – khe Mệ

Đập tan tành mưu đánh Nam Đông

5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Hiện nay, nhân các ngày lễ lớn của đất nước, như: Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, Thương binh Liệt sỹ 27/7, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9... các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, tỉnh, Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 101, các đồng chí lão thành cách mạng đã từng tham gia và hoạt động tại Chiến khu đã về đây (tại bia chiến tích Dương Hòa, khe Rệ, chợ kháng chiến, bến đò Tân Ba, Lương Miêu, Dương Hòa...) “thăm lại Chiến khu xưa”. Ngoài ra, một số ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, thị xã… tổ chức những cuộc “Hành hương về nguồn cội” để tưởng nhớ các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc.   

 

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.184.485
Truy cập hiện tại 1.069