Tìm kiếm tin tức
BẠN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Ngày cập nhật 15/07/2018
BẠN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

BẠN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Một số quy định chung:

Ngày 23 tháng 11 năm 2009, Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ 6 đã chính thức thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh và ngày 04 tháng 12 năm 2009, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này số 17/2009/L-CTN . Đây là đạo luật đầu tiên về khám bệnh, chữa bệnh - một vấn đề then chốt trong hoạt động y tế,  Luật gồm 9 chương với 91 điều. Luật khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011; Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân năm 2003 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Việc ban hành luật là thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh: Đánh giá đúng đắn vai trò quan trọng của sức khoẻ con người trong quá trình đổi mới, đưa đất nước tiến lên công nghiệp hoá và hiện đại hoá, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra mục tiêu tổng quát để phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là “Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ  Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Một số nội dung cụ thể:

1. Chương 1 - Những quy định chung gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và những hành vi bị nghiêm cấm.

Nội dung quan trọng của Chương này là điều chỉnh một cách thống nhất toàn bộ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong khu vực khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và khu vực khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa 2 khu vực này như: quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, từ đó đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người hành nghề và giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân nhằm đáp ứng các yêu cầu của công tác khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tại Điều 3 đã quy định 6 nguyên tắc cơ bản xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật. Đây là các nguyên tắc chủ đạo của công tác khám bệnh, chữa bệnh. Các nguyên tắc này được xây dựng theo hướng tiếp cận quyền của người bệnh, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người hành nghề, đặc biệt thể hiện bản chất nhân đạo của công tác khám bệnh, chữa bệnh.  

Đặc biệt, Luật quy định 14 hành vi bị cấm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh là: Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh; nghiêm cấm khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động (trừ trường hợp cấp cứu); nghiêm cấm thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; cấm người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức (trừ bác sĩ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền); cấm áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành; sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh; cấm quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; cấm lợi dụng kiến thức y thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh; cấm gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm của người hành nghề; cấm người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh; cấm vi phạm quyền của người bệnh, không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xoá, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh; ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc; cấm cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã; cấm đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh.

2. Chương 2 - Quyền và nghĩa vụ của người bệnh gồm 10 điều (từ Điều 7 đến Điều 16) được chia thành 2 mục:

a) Mục 1.  Quyền của người bệnh (từ Điều 7 đến Điều 13) bao gồm các quy định về quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế; quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh; quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. 

b) Mục 2. Nghĩa vụ của người bệnh (từ Điều 14 đến Điều 16) bao gồm các quy định về nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề; nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh và nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Nội dung của Chương này được tiếp cận trên cơ sở quyền con người và đã đề cập đầy đủ đến quyền và nghĩa vụ của người bệnh. Những quy định này đã khắc phục được tình trạng các quy định trước đây tuy đã đề cập nhưng còn chung chung và mờ nhạt. Quyền của người bệnh được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và tham khảo các quy định tại Công ước Châu Âu về Nhân quyền và Y sinh học, Tuyên ngôn Helsinki của Hiệp hội y khoa Thế giới về nghiên cứu y sinh học (1964, bổ sung 1975, 1983, 1989) và Tuyên ngôn về những quyền của bệnh nhân của Hiệp hội y tế Thế giới (1995) để lựa chọn các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Điểm đặc biệt của chương này là mỗi quy định về quyền đều gắn chặt với nghĩa vụ mà người bệnh có nghĩa vụ phải thực hiện nhằm tránh sự lạm quyền, làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của người hành nghề cũng như không tuân thủ nghiêm các quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

3. Chương 3 - Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gồm 24 điều (từ Điều 17 đến Điều 40) được chia thành 4 mục:

a) Mục 1. Điều kiện đối với người hành nghề (từ Điều 17 đến Điều 25) quy định về người xin cấp chứng chỉ hành nghề; điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam; điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề; khám, chữa bệnh nhân đạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh, hợp tác đào tạo về y có thực hành khám bệnh, chữa bệnh; thừa nhận chứng chỉ hành nghề; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xác nhận quá trình thực hành; chứng chỉ hành nghề.

b) Mục 2. Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề (từ Điều 26 đến Điều 30) quy định về thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề; hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề; thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề; thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề và lệ phí cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. 

c) Mục 3. Quyền của người hành nghề (từ Điều 31 đến Điều 35) quy định về quyền được hành nghề; quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh; quyền được nâng cao năng lực chuyên môn; quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh và quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề.

d) Mục 4. Nghĩa vụ của người hành nghề (từ Điều 36 đến Điều 40) quy định về nghĩa vụ đối với người bệnh; nghĩa vụ đối với nghề nghiệp; nghĩa vụ đối với đồng nghiệp và nghĩa vụ đối với xã hội và nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp.

4. Chương 4 - Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm 13 điều (từ Điều 41 đến Điều 53) được chia thành 4 mục:

a) Mục 1. Hình thức tổ chức và điều kiện hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (từ Điều 41 đến Điều 44)  quy định về các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện để cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.  

b) Mục 2. Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (từ Điều 45 đến Điều 49) quy định về thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hồ sơ cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thu hồi và đình chỉ giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và lệ phí cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

c) Mục 3. Chứng nhận nâng cao chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 50 và Điều 51) quy định về chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các tổ chức  chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

d) Mục 4. Quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 52 và Điều 53)  quy định về quyền, trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại chương này chính là nền tảng để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các quy định về chứng nhận nâng cao chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm tính ổn định ở mức độ cao trong việc cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, chương này cũng quy định đầy đủ về quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cùng với các quy định về quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, đã nâng cao trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, đồng thời cũng bảo vệ cho người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong những trường hợp xảy ra rủi ro hoặc trong những trường hợp vượt quá khả năng, điều kiện thực tế mà không thể đáp ứng yêu cầu của người bệnh cũng như tình trạng bệnh.

5. Chương 5- Các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh gồm 9 điều (từ Điều 81 đến Điều 89) quy định về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề; chế độ đối với người hành nghề; các nguồn tài chính phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; ngân sách nhà nước chi cho công tác y tế; xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh.

Nội dung của Chương này tập trung vào việc quy định cơ chế bảo đảm các nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh như tài chính, cơ sở vật chất, con người, chế độ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...

LÊ XUÂN HÙNG

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.137.045
Truy cập hiện tại 1.434