Tìm kiếm tin tức
THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Ngày cập nhật 16/05/2018

Mở rộng và phát huy dân chủ là xu hướng khách quan của tiến bộ xã hội, nhất là hiện nay nước ta đang trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, mở rộng và nâng cao dân chủ sẽ góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới, Văn kiện đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 10 đã khẳng định chủ trương “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của nhân dân. Xác định các hình thức tổ chức và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, Nhà nước đối với nhân dân”“Phát huy dân chủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với tiến trình phát triển nước ta”.

Ngày 20 tháng 4 năm 2007, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá 11 đã thông qua Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

Bố cục và những nội dung cơ bản của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Bố cục của Pháp lệnh :

 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gồm 6 chương, 28 điều với bố cục như sau:

Chương 1. Những quy định chung

Gồm 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4) quy định phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương 2. Những nội dung công khai để nhân dân biết

Gồm 5 điều (từ Điều 5 đến Điều 9) quy định những nội dung công khai; hình thức công khai; việc công khai bằng hình thức niêm yết; việc công khai trên hệ thống truyền thanh và thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung công khai.

Chương 3. Những nội dung nhân dân bàn và quyết định

Chương này chia thành 3 mục, gồm 9 điều (từ Điều 10 đến Điều 18) quy định những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; hình thức nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; giá trị thi hành đối với những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; hình thức nhân dân bàn, biểu quyết; giá trị thi hành đối với những việc nhân dân bàn, biểu quyết; việc công nhận những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã; trách nhiệm của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong việc thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định.

Chương 4. Những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định

Gồm 4 điều (từ Điều 19 đến Điều 22) quy định những nội dung nhân dân tham gia ý kiến; hình thức để nhân dân tham gia ý kiến; trách nhiệm của chính quyền cấp xã về tổ chức thực hiện những nội dung nhân dân tham gia ý kiến; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp trên về tổ chức thực hiện những nội dung nhân dân cấp xã tham gia ý kiến.

Chương 5. Những nội dung nhân dân giám sát

Gồm 4 điều (từ Điều 23 đến Điều 26) quy định những nội dung nhân dân giám sát; hình thức để thực hiện việc giám sát của nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giám sát của nhân dân; lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Chương 6. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 2 điều (Điều 27 và Điều 28) quy định hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

Phạm vi điều chỉnh

Phạm vi điều chỉnh quy định trong Pháp lệnh chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền cấp xã và nhân dân ở xã, ph­ường, thị trấn trong việc thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân. Cụ thể, Pháp lệnh quy định những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trư­ớc khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, ph­ường, thị trấn, của cán bộ thôn, tổ dân phố, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã.

Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cấp xã

Để đảm bảo việc thực hiện các nội dung dân chủ đúng pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở xã, phường, thị trấn, nhất là các quyền dân chủ trực tiếp, Pháp lệnh đã quy định cụ thể các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cấp xã. Các nguyên tắc này cũng chính là các t­ư tư­ởng chỉ đạo xuyên suốt trong toàn bộ nội dung Pháp lệnh, bao gồm các nguyên tắc: Bảo đảm trật tự, kỷ cương, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền của nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cấp xã; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dân chủ ở cấp xã; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Pháp lệnh cũng đã quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện dân chủ ở xã, ph­ường, thị trấn như­: hành vi không thực hiện hoặc làm trái các quy định của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ; hành vi trù dập người khiếu nại, tố cáo; hoặc hành vi lợi dụng dân chủ để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Câu hỏi: Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được quy định tại những văn bản pháp luật nào?

Trả lời:

Những quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được quy định tại Pháp lệnh số 34 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết liên tịch số 09 ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22, Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Câu hỏi: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn như thế nào?

Trả lời:

Điều 2 Pháp lệnh số 34 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định, nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cấp xã như sau:

  • Bảo đảm trật tự, kỷ cương, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
  • Bảo đảm quyền của nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cấp xã.
  • Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  • Công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dân chủ ở cấp xã.
  • Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 

Câu hỏi. Những hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn?

Trả lời:

Điều 4 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm:

  • Không thực hiện hoặc làm trái các quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã.
  • Trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã.
  • Bao che, cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã.
  • Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cấp xã để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Câu hỏi: Xin hỏi, theo quy định của pháp luật thì những nội dung nào phải được công khai?

Trả lời:

Điều 5 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định, những nội dung công khai gồm:

  • Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã.
  • Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã. 
  • Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân.
  • Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp.
  • Chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế.
  • Đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã.
  • Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ ấp, tổ nhân dân; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
  • Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
  • Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu.
  • Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện.
  • Những nội dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết. 

Như vậy, Nhà nước ta đã quy định rõ phải thực hiện công khai những nội dung thực sự cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm phát huy dân chủ, thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Câu hỏi: Những nội dung công khai để Nhân dân biết được thực hiện bằng các hình thức nào?

Trả lời:

Điều 6 Pháp lệnh số 34 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định các hình thức công khai sau đây:

  • Niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp xã;

Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã;

  • Công khai thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân.

Câu hỏi. Đề nghị cho biết theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 những nội dung nào cần niêm yết và thời gian niêm yết những nội dung đó?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 7 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định những nội dung quy định tại các Khoản 2, 3, 9 và 10 của Điều 5 Pháp lệnh phải được niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã, cụ thể:

  • Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã (Khoản 2 Điều 5). 
  • Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân (Khoản 3 Điều 5).
  • Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu (Khoản 9 Điều 5).
  • Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện (Khoản 10 Điều 5).

Chính quyền cấp xã có trách nhiệm niêm yết những nội dung nêu trên chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày văn bản được thông qua, ký ban hành đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp xã hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thời gian niêm yết các nội dung quy định tại Khoản 2 và Khoản 9 Điều 5 của Pháp lệnh ít nhất là ba mươi ngày liên tục, kể từ ngày niêm yết; các nội dung quy định tại Khoản 3 và Khoản 10 Điều 5 của Pháp lệnh được niêm yết thường xuyên.

Câu hỏi. Theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm gì trong tổ chức  thực hiện các nội dung công khai?

Trả lời: 

Điều 9 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong tổ chức thực hiện các nội dung công khai như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập, thông qua kế hoạch thực hiện những nội dung công khai, trong đó nêu rõ cách thức triển khai thực hiện, thời gian thực hiện và trách nhiệm tổ chức thực hiện.
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch, phương án đã được thông qua.

Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quá trình và kết quả thực hiện các nội dung công khai tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân.

Câu hỏi. Pháp luật quy định về hình thức nhân dân bàn và quyết định trực tiếp như thế nào?

Trả lời:

Điều 10 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định: Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

Về hình thức nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, Điều 11 Pháp lệnh quy định như sau:

  • Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp những nội dung quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh bằng một trong các hình thức sau đây:

+ Tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; 

+ Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. 

  • Trường hợp tổ chức họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình thì việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín; hình thức biểu quyết do hội nghị quyết định; nếu số người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố hoặc trong toàn cấp xã thì tổ chức lại cuộc họp.
  • Trường hợp không tổ chức lại được cuộc họp thì phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. 

Câu hỏi . Đề nghị cho biết, những nội dung, hình thức Nhân dân bàn, biểu quyết được Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 13 và Điều 14 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định những nội dung, hình thức nhân dân bàn, biểu quyết như sau:  Những nội dung Nhân dân bàn, biểu quyết

  • Hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. 
  • Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
  • Bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Hình thức Nhân dân bàn, biểu quyết

  • Nhân dân bàn và biểu quyết những nội dung nêu trên bằng một trong các hình thức sau đây:

+ Tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; 

+ Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. 

  • Trường hợp tổ chức họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình thì việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín; hình thức biểu quyết do hội nghị quyết định; nếu số người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố thì tổ chức lại cuộc họp.
  • Trường hợp không tổ chức lại được cuộc họp thì phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, trừ việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

Câu hỏi. Để các quy định của pháp luật về những nội dung Nhân dân bàn và quyết định có hiệu lực và được thực hiện có hiệu quả, xin hỏi Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện những nội dung này như thế nào? 

Trả lời:

Điều 17 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã lập, thông qua kế hoạch thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức thực hiện; chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện kế hoạch đã được thông qua.   
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm lập biên bản tổng hợp kết quả về những nội dung đã đưa ra nhân dân toàn cấp xã bàn và quyết định; tổ chức triển khai thực hiện những nội dung đã được nhân dân quyết định; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. 
  • Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quá trình và kết quả thực hiện các nội dung nhân dân bàn và quyết định tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân. 

Câu hỏi. Xin hỏi, theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 Trưởng thôn có trách nhiệm gì trong việc tổ chức thực hiện những nội dung Nhân dân bàn và quyết định?

Trả lời:

Điều 18 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định trách nhiệm của Trưởng thôn trong việc tổ chức thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định như sau:

  • Chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở thôn tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình để nhân dân thực hiện những nội dung quy định tại Điều 10, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 13 của Pháp lệnh. 

Lập biên bản về kết quả đã được Nhân dân thôn bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn.

  • Lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn bàn và quyết định trực tiếp những công việc thuộc phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. 
  • Tổ chức thực hiện những công việc trong phạm vi thôn đã được Nhân dân quyết định.

Câu hỏi. Theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thì những nội dung nào được Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã là một trong các nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Ngoài ra tại Điều 19 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 còn quy định các nội dung khác mà Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, gồm:

  • Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã.
  • Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch khu dân cư.
  • Dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp xã.
  • Những nội dung khác cần phải lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.

Câu hỏi. Đề nghị cho biết Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định những hình thức nào để Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định?

Trả lời:

Điều 20 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định các hình thức để Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, gồm:

  • Họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố.
  • Phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
  • Thông qua hòm thư góp ý.

Câu hỏi. Chính quyền cấp xã có trách nhiệm gì để tổ chức thực hiện những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định?

Trả lời:

Điều 21 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định về trách nhiệm của chính quyền cấp xã về tổ chức thực hiện những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập, thông qua kế hoạch để lấy ý kiến Nhân dân về những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp xã, trong đó nêu rõ cách thức triển khai, thời gian và trách nhiệm tổ chức thực hiện. 
  • Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch đã được thông qua. 
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý  kiến của cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; nghiên cứu tiếp thu ý kiến và thông báo với Nhân dân về tiếp thu ý kiến của cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. 

Trường hợp chính quyền cấp xã quyết định các nội dung mà Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định khác với ý  kiến của đa số thì phải nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

  • Đối với những nội dung do cơ quan có thẩm quyền giao cho chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập, thông qua kế hoạch thực hiện, trong đó nêu rõ cách thức triển khai, thời gian và trách nhiệm tổ chức thực hiện; chỉ đạo tổ chức thực hiện, tổng hợp ý kiến và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn.
  • Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quá trình và kết quả thực hiện các nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân.

Câu hỏi. Chúng tôi được biết, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định nhân dân được giám sát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Xin hỏi, những nội dung nào nhân dân được giám sát và hình thức để thực hiện việc giám sát của nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 23 và Điều 24 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định về những nội dung Nhân dân được giám sát và hình thức để thực hiện việc giám sát của Nhân dân như sau:

  • Nhân dân giám sát việc thực hiện các nội dung quy định tại các Điều 5, 10, 13, 19 của Pháp lệnh.
  • Các hình thức để thực hiện việc giám sát của Nhân dân gồm:

+ Nhân dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

+ Trình tự, thủ tục hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

  • Nhân dân trực tiếp thực hiện việc giám sát thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc kiến nghị thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. 

Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi . Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gì trong việc thực hiện giám sát của Nhân dân?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có các trách nhiệm sau đây:

  • Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; 
  • Xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; 
  • Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc người có hành vi trả thù, trù dập công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Lê Xuân Hùng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.222.127
Truy cập hiện tại 936