Tìm kiếm tin tức
Xanh ngát vùng cao Dương Hòa
Ngày cập nhật 08/10/2023

Vượt quảng đường khoảng 20 km từ trung tâm thành phố Huế, băng qua nhiều cánh rừng trù phú, tôi đến với Dương Hòa, vùng đất đã từng nổi tiếng với căn cứ chiến khu xưa, hiện ra đẹp như tranh vẽ. Đi trên vùng đất này vào những ngày tháng 9 lịch sử, từng tia nắng chiếu xuống khắp những ngọn cây, len lỏi vào từng căn nhà, chúng tôi cảm nhận được một sức sống mãnh liệt và nhiều sự đổi thay...

Bộ mặt nông thôn ở vùng cao Dương Hòa ngày càng khởi sắc

Cả một vùng cao xanh ngát, không gì nhiều hơn rừng xen lẫn những vườn cây ăn quả. Cảnh quan môi trường có sự chuyển biến rõ nét, nhiều con đường sáng, xanh, sạch, đẹp, cây cối khoe sắc ở nhiều thôn, xóm. Hầu hết đường thôn, đường nội đồng, liên gia đều được đổ bê tông; nhà dân cũng được xây mới kiên cố, khang trang, nhiều dự án chỉnh trang được đầu tư.
 
Bà con ở đây cho biết, từ những năm 2000, Dương Hòa đã vận dụng, biến những bất lợi của vùng đất gò đồi trước đây sang kinh tế rừng bền vững, nhiều diện tích đất cằn cỗi đã trở thành những rừng xanh tươi tốt, vùng cây thanh trà trĩu quả... Tiếp xúc với nhiều chủ rừng, chủ vườn, ai ai cũng cười tươi hớn hở, bởi nhờ cây trồng mà họ “đổi đời”, làm giàu bền vững.
 
Ngồi uống ngụm chè mát, bà Nguyễn Thị Phượng (trú thôn Hạ) cho hay, trước đây, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ, cấp đất, cấp rừng kịp thời của chính quyền mà nhiều hộ dân ăn nên làm ra, có của ăn của để, trở nên khá giả. Gia đình bà Phượng hiện có hơn 4 hecta rừng kinh tế, trồng keo tràm, mỗi chu kỳ 4-5 năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/1ha. Ngoài ra, bà còn thực hiện chuyển đổi cây trồng với gần 100 gốc thanh trà, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. “Xưa nghèo lắm, nhưng nay nhờ trồng rừng và cây ăn quả nên đời sống gia đình ổn định, con cháu được học hành đầy đủ…”, bà Phượng thổ lộ.
 
Người dân nói rằng ở đây rừng “là vàng, là bạc”. Theo thống kê, Dương Hòa có gần 90 % dân số phát triển kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm rừng. Chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, với gần 400ha rừng gỗ lớn ở địa phương được chứng nhận FSC. Năm 2022, sản xuất lâm nghiệp chiếm hơn 58% thu nhập của xã (hơn 120 tỷ đồng); độ che phủ rừng đạt gần 90%.
 
 
Ông Vinh bên khu vườn rộng lớn của gia đình, là một trong những điển hình của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
 
Ở Dương Hòa, có lẽ “nổi tiếng” nhất nhì vùng cao này là hộ ông Nguyễn Vinh (thôn Buồng Tằm), với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, là một trong những điển hình của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, được địa phương và tỉnh nhiều lần khen thưởng. Đặc biệt vào năm 2022, ông Vinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
 
Ông Vinh kể rằng vào năm 2010, ông mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp, dồn hết công sức, tiền bạc để đầu tư 1ha thanh trà vốn là đất của gia đình. Ông Vinh đã “tiên phong” ở địa phương trong việc dùng hệ thống béc phun mưa để tưới nước cho cây thanh trà. Sau đó, nhiều hộ trồng thanh trà thôn Buồng Tằm áp dụng mô hình này, giúp năng suất, chất lượng, kích cỡ quả nâng lên rõ rệt. Nhiều năm qua, thu nhập bình quân từ thanh trà của gia đình ông từ 100-150 triệu đồng/năm. Ông Vinh còn “sở hữu” 5ha keo tràm và nhiều diện tích bưởi da xanh, qua đó kinh tế gia đình ngày càng bền vững, dư dả cho con cái. Đến kỳ thu hoạch hay chăm bón cây trồng, ông cũng tạo việc làm thêm cho một số hộ dân, với trung bình mỗi ngày công là 300 nghìn đồng.
 
Cũng tại thôn Buồng Tằm, chị Hồ Thị Mỹ Ni - chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn là gương phụ nữ trẻ tiên phong mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2011, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, chị Ni đã vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội hơn 100 triệu đồng để đầu tư trồng 2ha rừng, 30 gốc thanh trà trong vườn và làm vườn ươm cây keo giống. Cùng với đó, chị Ni tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tiễn. Những năm tiếp theo, thu nhập từ vườn ươm và thanh trà ổn định nên chị đã chuyển đổi diện tích hơn 2ha từ trồng keo tràm sang lập vườn trồng cây ăn quả, mạnh dạn đầu tư 200 gốc bưởi da xanh, 50 gốc cam, 100 thanh trà, 100 gốc chanh, đến nay cho thu nhập rất ổn định.
 
Chị cũng đang chăn nuôi thêm 20 con bò để lấy phân hữu cơ chăm sóc vuờn cây ăn quả của mình. Đặc biệt, năm 2021, qua sự hỗ trợ kinh phí của thị xã Hương Thủy, chị Ni đã xây dựng thêm homestay với 3 nhà chòi, cảnh quan gần gũi với thiên nhiên, không khí trong lành; từ đầu năm 2023 đã phục vụ rất đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Từ những sự nỗ lực, chị Ni đã vượt qua khó khăn, có điều kiện sửa sang nhà cửa và nuôi con cái ăn học.
 
 
Mô hình homestay của chị Ni thu hút khá đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng
 
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Dương Hòa phấn khởi cho biết, từ xã vùng núi nhiều khó khăn, Dương Hòa đã từng bước đổi thay, trở thành địa phương đầu tiên ở Hương Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Bộ mặt nông thôn xã nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân. Trong đó, có gần 5km đường bê tông trục thôn, liên thôn; các trường học được đầu tư xây dựng theo chuẩn quốc gia. 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; 100 % hộ gia đình sử dụng điện; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100 % và nước sạch đạt gần 95%.
 
Thông qua chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, Dương Hòa đã đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế như thanh trà, bưởi da xanh, cam... Đến nay, diện tích thanh trà trên địa bàn xã trên 75ha, bưởi da xanh trên 10ha, cam khoảng 4ha, trong đó, tổng diện tích cho quả 35ha (năng suất bình quân đạt hơn 34 tấn/hecta). Tổng đàn gia súc ở xã Dương Hòa gần 1 ngàn con. 
 
“Xã đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát huy tối đa lợi thế từ rừng và đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội; nhân rộng diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC; rà soát việc thực hiện các đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi của thị xã tại địa phương. Cùng với đó, khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ sạch, liên kết theo chuỗi giá trị, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân. Hiện, xã Dương Hòa đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thực hiện các nhiệm vụ then chốt đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025”, ông Thức cho biết thêm.
Văn Dinh

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.201.817
Truy cập hiện tại 1.598