Tìm kiếm tin tức
Kết quả thực hiện triển khai các giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Ngày cập nhật 17/07/2023

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

1. Thuận lợi

Dương Hòa được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, là nơi làng quê bình yên có cảnh quan sông núi, thác ghềnh hòa quện vào nhau còn giữ trên mình nhiều vẻ đẹp nguyên sơ chưa được khai thác. Bên cạnh đó có di tích lịch sử cách mạng Bia Chiến tích và Chợ Kháng chiến Dương Hòa; nghề truyền thống chẻ tăm hương và làm chổi từ cây lồ ô; nấu và chưng cất tinh dầu thanh trà, hoa hồng…;  những vườn Thanh trà sai trĩu quả,  có các món rau rừng, cá suối, gà vườn… tại địa phương. Là những tài nguyên du lịch giàu tiềm năng để phát triển ngành du lịch, dịch vụ của xã.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn là một chương trình mới của xã nhưng được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo sở du lịch, lãnh đạo và các phòng ban chức năng của thị xã. Đặc biệt là sự tập trung lãnh chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân. Nhờ vậy, dù trong thời gian ngắn, chương trình du lịch của xã đã có những bước khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển những năm tiếp theo.

2. Khó khăn:

Bên cạnh những thuận lợi thì du lịch Dương Hòa còn có nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chương trình. Do vị trí cách xa trung tâm thành phố, đường đi lại khó khăn ( Tỉnh lộ 7) nên một số du khách còn ngại đến Dương Hòa; nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa được đầu tư đồng bộ nên việc khai thác còn chưa thuận lợi; các dịch vụ du lịch chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách khi tham quan du lịch trên địa bàn.

Một bộ phận cán bộ và người dân còn nhận thức chưa đầy đủ về chương trình phát triển du lịch nông thôn của xã dẫn đến mơ hồ trong việc triển khai và tiếp nhận, còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Công tác quản lý nhà nước về du lịch còn yếu. Vì mới tiếp cận với du lịch nên người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch cần được tiếp tục quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2021 - 2022

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đảng ủy, HĐND xã đã ban hành nghị quyết và chương trình hành động của Đảng ủy về phát triển du lịch nông thôn của xã giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó UBND xã đã ban hành kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 12/11/2020 về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch số 34/KH-UBND về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Dương Hòa giai đoạn 2021 – 2025; quyết định thành lập Tổ giúp việc thực hiện chương trình phát triển Du lịch nông thôn xã Dương Hòa, giai đoạn 2021 – 2025; từng năm xây dựng kế hoạch, lộ trình để tổ chức thực hiện.

2. Công tác phối hợp giữa UBND và MTTQ, các đoàn thể

Phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích tham gia các hoạt động phát triển du lịch; đẩy mạnh đề án Ngày Chủ nhật xanh trên địa bàn dân cư, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Năm 2022 phối hợp với hội LHPN xã mở 02 lớp tập huấn về du lịch và nghề chẻ tăm hương và làm chổi tre do Phòng VHTT thị xã tổ chức có 87 hội viên tham gia.

3. Kết quả thực đạt được

Về xây dựng cơ bản các công trình phục vụ du lịch, UBND xã đã phối hợp với BQL đầu tư xây dựng thị xã đã tiến hành bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường vào thác Đá Dăm và bãi đổ xe, theo quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật đường vào chàng Đá Dăm dài 900m, bê tông rộng 3,5m, tổng mức đầu tư 4,85 tỷ đồng, phục vụ du lịch cộng đồng; phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát đầu tư phát triển du lịch thác Đá dăm; trình UBND thị xã đầu tư quy hoạch chi tiết khu lưu niệm sự kiện chiến khu Dương Hòa; đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư khu lưu niệm sự kiện Bia Chiến tích Dương Hòa; đã đăng ký các hạng mục đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gồm đường nội đồng Đồng Rệ, cải tạo sửa chữa bến thuyền Tân Ba để làm bến thuyền du lịch, xây dựng nhà trưng bày, nhà vệ sinh... với tổng vốn đăng ký hơn 50 tỷ đồng.  

Thực hiện Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 09 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định số 52/2019/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2021 của UBND thị xã Hương Thủy về chương trình phát triển du lịch của thị xã, UBND xã đã lập danh sách 04 đối tượng đủ điều kiện tham gia hoạt động du lịch cộng đồng và đề xuất hỗ trợ đầu tư xây dựng homestay, trong đó có HTX Dược liệu Thông Xanh và 02 hộ gia đình ở thôn Buồng Tằm. Kết quả đã nghiệm thu và giải ngân cho 03 hộ xây dựng Homestay với 09 phòng, số tiền 300 triệu đồng; 02 mô hình hoạt động trải nghiệm du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vận động phát triển các mô hình, dịch vụ du lịch và phục vụ du lịch thì công tác truyền thông quảng bá được quan tâm. Cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, đã xây dựng 04 bảng chỉ dẫn du lịch, tờ gấp du lịch và trang thông tin du lịch Dương Hòa.

          IV. NHỮNG TỒN TẠI HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Những tồn tại hạn chế

- Lượng khách du lịch thuần túy theo loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng còn hạn chế ...

- Hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch chưa thuận lợi; hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch như bãi đỗ xe,  nhà vệ sinh công cộng… còn thiếu.

- Chất lượng và tính chuyên nghiệp của các hoạt động xúc tiến, quảng bá còn hạn chế, nguồn lực cho xúc tiến quảng bá du lịch thấp, trang web quảng bá du lịch Dương Hòa chưa phong phú các hoạt động, các địa điểm, chưa đủ sức lan tỏa.

- Các homestay hoạt động còn nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên.

2. Nguyên nhân tồn tại hạn chế

Công tác quản lý nhà nước về xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch  vẫn còn bất cập, hiệu quả hoạt động chưa cao, quảng bá và liên kết chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch của địa phương.

Việc phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch chung của vùng chưa rõ nét. Nội dung các hoạt động liên kết ít được đổi mới, chưa phong phú, chưa tạo được sản phẩm du lịch sự hấp dẫn dựa vào tiềm năng lợi thế của địa phương và chưa tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch

IV. NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

- Thực hiện quy hoạch các điểm có giá trị để kêu gọi các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực đầu tư phát triển du lịch có hiệu quả như thác Đá dăm, hồ Gia mòi, các diện tích ven sông bãi bồi có vị trí đẹp.

- Đề nghị thị xã tiếp tục quan tâm mở các lớp tập huấn về du lịch, nấu ăn, thuyết trình để người dân tiếp cận gần hơn với du lịch; tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, hỗ trợ việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch theo quy định.

- Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực; phát triển các nghệ nhân, phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản truyền thống

- Đề nghị mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản, tôn trọng pháp luật và ứng xử văn minh, lịch sự trong kinh doanh dịch vụ, văn hóa và trong cộng đồng dân cư nơi có điểm du lịch.

V. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH DỊCH VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI.

  1. Về đầu tư xây dựng cơ bản.

Ủy ban nhân dân xã làm việc với phòng ban và các cơ quan chuyên môn thị xã để thực hiện việc lập hồ sơ, xin chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hướng đến xây dựng điểm đến du lịch hoàn chỉnh và đăng ký điểm du lịch cộng đồng. Trong đó tập trung vào các hạng mục được dự kiến thực hiện trong năm 2023 và các hạng mục từ năm 2022 chuyển sang gồm: khu lưu niệm sự kiện Bia Chiến tích Dương Hòa giai đoạn 1; đường nội đồng, nhà vệ sinh công cộng khu vực Buồng Tằm; bến thuyền du lịch và nhà trưng bày tại khu vực thôn Hạ.

Hướng dẫn hồ sơ gửi UBND thị xã xác nhận tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Hướng dẫn các hồ sơ thủ tục hỗ trợ theo quyết định 52/QĐ-UBND của UBND Tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện và cam kết tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương.

Quy hoạch các diện tích đất phù hợp để kêu gọi đầu tư phát triển các dịch vụ, trong đó tập trung vào các địa điểm như hồ Gia Mòi, thác Đá Dăm, các diện tích ven sông, bãi bồi có giá trị về phát triển dịch vụ.

Duy trì hoạt động của chợ Dương Hòa, nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp để phát triển điểm chợ thành nơi buôn bán 2 chiều. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện đối với các hình thức mua bán kinh doanh tại hộ gia đình, khuyến khích việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới như dịch vụ tham quan, trải nghiệm, lưu trú… phục vụ du lịch.

2. Xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ.

2.1. Đảm bảo môi trường tự nhiên và xã hội trong hoạt động du lịch

Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch, bảo vệ tài nguyên du lịch, nâng cao ý thức của dân cư về ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch. Phát triển du lịch nông thôn kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn, đặc biệt là các điểm di tích bia chiến tích và chợ kháng chiến Dương Hòa.

Phát huy phong trào Ngày Chủ nhật xanh trên địa bàn các thôn, phối hợp thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch. Gắn công tác xây dựng thôn kiểu mẫu, vườn mẫu với hoạt động đầu tư phát triển du lịch nông thôn, vận động các hội viên, đoàn viên, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tham gia đầu tư các mô hình homestay, nhà hàng, quán ăn phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của địa phương. Chú trọng các giải pháp cải tạo cảnh quan, môi trường, nhất là việc duy trì và phát triển hệ thống hàng rào xanh tại khu vực thôn Hạ và Buồng Tằm.

2.2.  Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ

Phối hợp với với các trường, đơn vị đào tạo về du lịch có uy tín mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng làm du lịch, dịch vụ theo hướng tăng cường xã hội hóa và thực hiện bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo được yêu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; coi trọng chất lượng đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Trang bị và nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ... cho cư dân tại các điểm du lịch; nâng cao kỹ năng tổ chức, khai thác, phục vụ khách du lịch trong phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương. Tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản, tôn trọng pháp luật và ứng xử văn minh, lịch sự trong kinh doanh dịch vụ, văn hóa và trong cộng đồng dân cư nơi có điểm du lịch.

2.3.  Khuyến khích phát triển các ngành nghề sản xuất truyền thống, sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm mới.

Hướng dẫn, hỗ trợ phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống như chẻ tăm hương, làm chổi tre theo hướng vừa làm nghề vừa phục vụ trải nghiệm. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch mới như chèo thuyền, tham quan du lịch đường sông, đạp xe, trải nghiệm làm nông …Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng thế mạnh của xã như tham quan vườn mẫu thanh trà gắn với dịch vụ ăn uống các món đặc sản như gà thả vườn, cá khe suối, rau rừng… tại địa phương.

2.4. Hỗ trợ công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Thông qua các hình thức báo chí, các trang mạng điện tử, mạng xã hội… thường xuyên quản bá giới thiệu phong cảnh, văn hóa, con người, đặc sản, những tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương.  Tham gia các hội chợ, hội thảo, trưng bày sản phẩm về du lịch do các cấp tổ chức nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Phát huy nội lực địa phương, kêu gọi và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tại địa phương đầu tư dịch vụ kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú homestay gắn với du lịch tham quan tắm thác Đá Dăm, tham quan các địa điểm di tích Chiến khu Dương Hoà, Chợ Kháng chiến và các sản phẩm du lịch khác.

Duy trì hoạt động của chợ Dương Hòa, nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp để phát triển điểm chợ thành nơi buôn bán 2 chiều. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện đối với các hình thức mua bán kinh doanh tại hộ gia đình, khuyến khích việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới như dịch vụ tham quan, trải nghiệm, lưu trú… phục vụ du lịch.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.538.892
Truy cập hiện tại 1.550