Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kê hoạch duy trì và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh năm 2023
Ngày cập nhật 27/07/2023
Căn cứ Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 01/06/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về duy trì và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2023 của tỉnh, để cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh, UBND xã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh năm 2023 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao điểm số 08 nội dung đánh giá của PAPI, phấn đấu năm 2023 có điểm số cao hơn năm 2022 để tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong nỗ lực nâng điểm Chỉ số PAPI của tỉnh.

- Phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách, nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân.

2. Yêu cầu

- Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các ban, ngành đoàn thể và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xác định nâng cao điểm số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực hiện tốt yêu cầu: “Thấu hiểu, chia sẻ và kịp thời giải quyết các vướng mắc, bức xúc của Nhân dân, của tổ thức và cá nhân”; đánh giá đúng thực trạng, xây dựng Kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định Chỉ số PAPI.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Với nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”

- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh.

- Triển khai thực hiện nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia, nhất là các nội dung như: Vận động nhân dân tự nguyện tham gia, đóng góp kinh phí xây mới, sửa chữa công trình công cộng…; công khai các khoản đóng góp tự nguyện theo quy định, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch... theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 trước đây và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023).

- Kịp thời tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các văn bản hướng dẫn liên quan đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn, nhất là những nội dung cần phải công khai cho Nhân dân biết theo quy định.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến đời sống của người dân; cung cấp thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã, các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện xét duyệt danh sách hộ nghèo đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, đúng đối tượng; giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các nội dung kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Duy trì nghiêm túc, đều đặn chế độ họp thôn theo quy định; trong đó, thường xuyên đưa các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân nắm bắt cụ thể, kịp thời; tăng cường mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa chính quyền với người dân, trong đó cần phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ở cơ sở.

2. Với chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”

UBND xã thực hiện công khai những nội dung sau:

- Kế hoạch phát triển KT-XH năm sau và kết quả thực hiện năm trước liền kề.

- Dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân xã quyết định.

- Tình hình thực hiện dự toán ngân sách xã định kỳ.

- Kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư trên địa bàn xã; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã; quy hoạch xây dựng xã và điểm dân cư nông thôn.

- Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương xã.

- Quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn xã; các khoản huy động Nhân dân đóng góp.

- Chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

- Việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn xã.

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân xã.

- Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền địa phương xã trực tiếp thu.

- UBMTTQVN xã, Trưởng ban Thanh tra nhân dân tuyên truyền cho người dân về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, nhiệm vụ, quyền hạn Ban Thanh tra nhân dân: Theo Điều 38, Luật Dân chủ cơ sở, phương hướng, nội dung kế hoạch hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

- Tuyên truyền cho người dân về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Tuyên truyền cho người dân các nội dung Nhân dân bàn và quyết định, công khai để người dân biết: Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn xã, ở thôn do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức; việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.

3. Với chỉ số nội dung “Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân”

- Chú trọng triển khai, bám sát theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ giải trình trong nội quy, quy chế làm việc; chỉ đạo, kiểm tra cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình trước Nhân dân.

- UBND xã phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần. Thực hiện tiếp công dân đột xuất theo quy định, công khai nội quy, lịch tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân và trên Trang Thông tin điện tử của xã.

4. Với chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”

- Tiếp tục thực hiện các quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 và Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.

- Tự kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN.

5. Với chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”

- Triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số dịch vụ công trên địa bàn.

- Đẩy mạnh giải quyết tốt các TTHC trên các lĩnh vực liên quan đến người dân như: Chứng thực, xác nhận của chính quyền, đất đai, các thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, bảo trợ xã hội... tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức đã được quy định trong khâu hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Thực hiện niêm yết công khai các TTHC đã được UBND tỉnh công bố tại trụ sở, trên Trang thông tin điện tử xã và tại nơi đông người (nhà văn hóa cộng đồng,...). Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với với các trường hợp trễ hạn hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra tình trạng chậm trễ hồ sơ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính

- Triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; duy trì thường xuyên công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức trên địa bàn; bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại của cơ quan thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức; phấn đấu trên 98% hồ sơ TTHC do UBND xã tiếp nhận trong năm giải quyết đúng hạn; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân khi để xảy ra trể hẹn trong giải quyết TTHC; thực hiện điều tra, khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân về chất lượng giải quyết TTHC.

- Quán triệt công chức tại Bộ phận một cửa xã phải có thái độ giao tiếp lịch sự, tôn trọng đối với người dân; cung cấp thông tin, trả lời kịp thời, đầy đủ các câu hỏi, ý kiến của người dân; hướng dẫn hồ sơ dễ hiểu, đảm bảo người dân có thể hoàn thiện hồ sơ sau một lần hướng dẫn; tuân thủ đúng quy định trong giải quyết công việc cho người dân; tận tình đối với người dân trong quá trình giải quyết công việc.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, HĐND, UBMTTQVN xã trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của UBND xã

6. Với chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”

- Bố trí trang thiết bị phục vụ người dân tra cứu TTHC, tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Bố trí người hướng dẫn người dân tạo tài khoản DVC trực tuyến và nộp hồ sơ trực tuyến.

- Ban chỉ đạo chuyển đổi số xã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của xã; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh trên địa bàn. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể xã và Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số. Tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch chuyển đổi số của xã.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn yêu cầu 100% cán bộ, công nhân viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID mức độ 2. Khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công cán bộ công chức, viên chức phải nộp hồ sơ trực tuyến và tuyên truyền, hướng dẫn người thân, người đến liên hệ công tác sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các tổ chức thành viên tăng cường chỉ đạo Ban công tác mặt trận, Ban chấp hành các chi hội, chi đoàn phối hợp cùng các thành viên Tổ công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 và Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn trên địa bàn và Công an xã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trên địa bàn sớm hoàn thành việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo tiến độ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường công tác hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng ứng dụng Hue-S, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số, đặc biệt là nền tảng cổng tương tác của tỉnh; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,...; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng ứng dụng Hue-S, các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch... thông qua các nền tảng số; hỗ trợ, hướng dẫn người dân trên địa bàn sử dụng Hue-S để khai thác, tiếp cận thông tin, dịch vụ chính thống.

7. Với chỉ số nội dung “Quản trị môi trường”

- Quan tâm hơn đến chất lượng nguồn nước và không khí để có những hành động kịp thời, trong đó cần huy động người dân tham gia cải thiện điều kiện môi trường sinh hoạt tại khu dân cư.

8. Với chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết và sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh; trang thông tin điện tử của thị xã và của xã trong việc khai thác tìm hiểu những chính sách, pháp luật của tỉnh, của các địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng - Thống kê và công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã:

- Tham mưu UBND xã tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2023; công tác kỷ cương, kỷ luật hành chính năm 2023, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch CCHC trong năm, các báo cáo định kỳ về công tác CCHC.

- Tham mưu UBND xã thực hiện Kế hoạch CCHC (TCTP 1.1); thực hiện chế độ báo cáo CCHC định kỳ (TCTP 1.2); công tác kiểm tra, giám sát CCHC (TCTP 1.3); thực hiện theo Ý kiến chỉ đạo của UBND cấp xã (TCTP 1.6); Tham mưu UBND xã công tác Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); công khai TTHC và kết quả giải quyết hồ sơ (TCTP 3.1); Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (TCTP 3.2); TTHC được cập nhật và thiết lập đúng theo quy trình điện tử trên phần  mềm (TCTP 3.3); Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (TCTP 3.4); Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với các  quy định hành chính, TTHC (TCTP 3.5); Thực hiện báo cáo công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (TCTP 3.6).

- Tham mưu UBND xã thực hiện tổ chức thực hiện chấm điểm đánh giá, xếp loại công tác CCHC, gắn với công tác thi đua khen thưởng năm 2023.

2. Công chức Tài chính - Kế toán xã:

- Tham mưu UBND xã tổ chức thực hiện công tác tài chính - ngân sách; thực hiện công tác quyết toán ngân sách đảm bảo quy định; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và  kinh phí quản lý hành chính tại cơ quan và đơn vị trực thuộc theo Nghị  định 130/2005/NĐ-CP, Nghị định 117/2013/NĐ-CP sửa đổi NĐ 130/2005/NĐ-CP; xây dựng tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý, sử dụng tài sản  công đúng quy định; tổ chức thực hiện kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; tham mưu thực hiện giải ngân kế hoạc đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm (TCTP 6.2.1).

3. Công chức Văn hóa - Xã hội, cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã:

- Tham mưu UBND xã tổ chức thực hiện kế hoạch thông tin, tuyên truyền CCHC năm 2023. Tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính trên hệ thống truyền thanh xã, trang thông tin điện tử xã, băng rôn, pano, áp phích...; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính, tuyên truyền qua các tiện tích của mạng xã hội có nhiều người dùng (như zalo, Facebook, Youtube...).

4. Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã:

- Tham mưu UBND xã xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực (TCTP 2.1); công tác theo dõi thi hành pháp luật (TCTP 2.2); thực hiện báo cáo năm về kết quả kiểm tra, rà soát văn bản QPPL tại địa phương (TCTP 2.3).

5. UBMTTQVN và các đoàn thể xã:

- Phối hợp thực hiện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao nhận thức của từng đoàn viên, hội viên và nhân dân về công tác cải cách hành chính. Vận động đoàn viên, hội viên tham gia giám sát thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn xã.

- Nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của xã; tham mưu thực hiện duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử xã; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trên địa bàn đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử và tài khoản dịch vụ công.

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản: Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Đất đai; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân; Luật Tiếp cận thông tin…

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.536.828
Truy cập hiện tại 874