Tìm kiếm tin tức
THEO CHÂN CỰU CHIẾN BINH C3 ĐẶC CÔNG HƯƠNG THỦY TÌM VỀ DẤU TÍCH LỊCH SỬ NƠI THƯỢNG NGUỒN TẢ TRẠCH.
Ngày cập nhật 20/07/2024

Kỳ 2:  Thăm lại nơi đóng quân và mong ước của các Cựu Chiến binh ngày trở lại.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa (1930 – 2015). Với địa hình, địa thế tốt, sau chiến dịch Mậu Thân, Thành đội Huế chuyển từ địa đạo Hương Thuỷ ra đồi 815. Trên đỉnh cao nhất là địa đạo Thành đội trưởng Thân Trọng Một, địa đạo mở 2 cửa, 1 cửa chính, 1 cửa phụ có thể ẩn núp đến cả 100 người. Giữa hai cánh núi là dòng suối chảy dài từ đỉnh đến chân núi. Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của Thành đội bám vào con suối ấy, mỗi ban làm một nhà thùng, làm hầm chữ A để ở. Trước những đợt càn quyét khốc liệt của kẻ thù vào đây, các cơ quan của ta đóng tại đồi 815 đã quyết định mở đường máu rút khỏi vòng vây của địch. Đến tháng 8/1968, các đơn vị chủ lực của ta đã rút về Khe Cối Xay sau đó về Khe Vàng (Dương Hòa). Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đã ngược ra sông Hai Nhánh vượt dốc Thanh Niên, về phía Khe Vịt và cuối cùng đứng chân ở Khe Rùa (Dương Hòa). Tiếp đó khu vực Khe Vàng lại bị địch tấn công, các cơ quan và lực lượng vũ trang của ta chuyển lên Khe Xương Voi (gần Mụ Nú) để bám dân hoạt động. Tuy vậy, địa điểm đóng quân ở Khe Sương Voi không tồn tại được lâu, vì ở đây luôn bị máy bay do thám địch nhòm ngó, bỏ bom bắn phá[1]

Trước tình hình ấy các đơn vị chủ lực của ta tiếp tục lui quân thêm một bước, chuyển về đóng quân ở điểm cao A-te và Tre Linh, còn đại bộ phận cơ quan ban ngành huyện, tỉnh và lực lượng vũ trang xã, huyện vẫn bám trụ ở Khe Vàng, Khe Rùa (địa bàn chiến khu Dương Hòa và vùng giáp ranh Phú Bài, Thủy Phương).

Đi cùng đoàn, bác Đặng Văn Hoàng, là một Cựu Chiến binh, nguyên là lính đặc công C3 Hương Thủy tham gia từ năm 1973, hiện đang sinh sống tại thành phố Vinh, Nghệ an là trưởng Ban liên lạc đặc công, thành phố Vinh nhớ lại: “ khu hậu cứ C3 có 1 lần phải di chuyển do nằm ở gần đơn vị K32 hỏa tiển, khi đơn vị này bắn vài qủa pháo thì pháo của địch ở La Sơn bắn lên làm hy sinh một số đồng chí của C3, nên từ vị trí gần cửa rừng đoạn sông Hai nhánh, đơn vị dịch chuyển vào sâu thêm một đoạn khoảng vaì trăm mét. Tuy nhiên, tuyến đường của C3 đi là thường xuyên ra cửa rừng ở chổ sông Hai Nhánh, từ tải gạo, hành quân đi chiến đấu, xuống đồi trọc, đi về đồng bằng đều phải đi qua sông Hai Nhánh, nhưng địch đóng ở Núi Mỏ Tàu nên mọi việc qua lại ở sông Hai Nhánh rất nguy hiểm, dễ bị phát hiện và đi lại rất khó khăn. Mỗi lần qua sông, đơn vị thường tập kết lúc chặp tối khi đó mới ra khỏi cửa rừng và đơn vị dẫn đường dẫn về hoạt động ở vùng giáp ranh hoạt động rồi rút về hậu cứ an toàn trong đêm”.

Một kỷ niệm khác mà bác Hoàng nhớ đến là có lần đi lấy gạo, có đoàn biệt động đi qua sông Hai Nhánh, địch đóng trên núi Mỏ Tàu quan sát phát hiện nên bắn xuống làm 2 cô gái bị thương ở chân, bác Hoàng cùng đồng đội đi cùng đã băng bó vết thương và đưa vào trạm xá ở vùng hậu cứ để chăm sóc.

Theo lời kể của các bác Cựu Chiến binh C3, trận đánh lớn mà đơn vị tham gia tại Thanh Thủy Chánh và Lăng Xá Bầu (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) là trận đánh vô cùng ác liệt vì đương đầu với 1 tiểu đoàn dù từ Phú bài lên, vừa xe tăng, máy bay càng suốt một ngày một đêm. Đơn vị K4 hy sinh gần hết, đơn vị C1, C3 một số đồng chí hy sinh, đến 9 giờ tối thì có lệnh rút quân, toàn bộ đơn vị đã rút quân về lại Dương Hòa và bổ sung quân tư trang và về lại Huế chiến đấu đến ngày giải phóng.

Tiếp tục lên chiếc ghe đuôi tôm nhỏ, đoàn đi từ khu vực sông dưới chân điểm cao 229 vòng lại đến cửa Khe Rùa ( Khe Cà De – theo tên gọi địa phương), bác Phan Văn Đình, nguyên là lực lượng đơn vị hành lang thuộc huyện đội Hương Thủy giải thích “Khe Rùa là tên do Bộ đội ta đặt cho, vì khi đóng quân ở đây khe này rất nhiều Rùa”. Đi tiếp một khúc sông chừng 300 mét, chiếc ghe nhỏ đưa đoàn vào cửa khe 57 đối diện với cửa sông Hai nhánh, mà theo bác Đình lúc trước ta còn đặt cho cái tên là khe Bò Mang, phía cửa khe có trạm gác ông Thừa, đi vào phía ngọn khe là các cơ quan, đơn vị của ta đóng quân.

Dừng chân trên một bãi đất trống tại khe 57 là nơi cơ quan Huyện ủy Hương Thủy đóng năm 1974, trên gương mặt các bác tràng đầy vẻ xúc động, tuổi tác và cái nắng của ngày hè hơn 38 độ dường như không ngăn được những ký ức ùa về trong đoàn Cựu Chiến binh C3, khi từng ngọn đồi, góc suối, con khe… và cả những lối mòn nhỏ đều gắn với hình ảnh của các cơ quan, đơn vị khu hậu cứ nơi đóng quân,  và cả những đồng đội ngày nào được chôn cất ở đây vẫn chưa tìm thấy.

Theo lời kể của các bác, giai đoạn từ năm 1968 đến 1975, tại khu vực này có rất nhiều cơ quan, đơn vị đóng quân tại đây như: Tiểu đoàn 33 Đặc công; Trung đoàn 6; Trung đoàn 1, 2 Sư 324; Trung đoàn 271; Trung đoàn K4; Tỉnh Đội, Huyện đội Hương Thủy; cơ quan An ninh Huyện và các cơ quan dân sự.

Vẫn như tâm tư của các đoàn Cựu Chiến binh về thăm lại chiến khu Dương Hòa tại khu vực hậu cứ xung quanh địa điểm sông Hai Nhánh, các bác mong muốn chọn khu vực cửa sông Hai Nhánh xây dựng bia tưởng niệm, để mỗi lần về thăm có nơi thắp nén hương cho đồng đội và những người nằm xuống, và cũng là để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

 


[1] Tổng hợp từ lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa (1930-2015); Nxb Thuận Hóa; trang 108 và 109

Huỳnh Tấn Phấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.675.314
Truy cập hiện tại 647