Tìm kiếm tin tức
Theo chân cựu chiến binh c3 đặc công hương thủy tìm về dấu tích lịch sử nơi thượng nguồn tả trạch
Ngày cập nhật 20/07/2024

Kỳ 1: Điểm cao 229 và sự hy sinh của 04 đồng chí đặc công Thành Đội Huế

Sáng hôm ấy, trên vùng chiến khu xưa mọi thứ như vừa mới tỉnh giấc sau một đêm ngủ dài, tiếng điện thoại reo lên, cuộc gọi của một bác cựu chiến binh Hương Thủy báo đoàn các bác đã về tới Dương Hòa. Tôi vội vả đến điểm hẹn đón các bác, sau lời giới thiệu là cái bắt tay ấm áp và những nụ cười đầy năng lượng của các bác khi trở lại chiến trường xưa.

Được may mắn tháp tùng các bác Cựu chiến binh thuộc lực lượng đặc công C3 huyện đội Hương Thủy (nay là BCH Quân sự thị xã Hương Thủy) hành trình trở về tìm lại các dấu tích lịch sử một thời oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nơi thượng nguồn Tả trạch, nơi mà các địa danh như Núi Mỏ Tàu, Khe Rùa, Khe Vàng, Khe 57, bãi Gạo, sông Hai Nhánh, dốc Thanh Niên… và hàng chục địa danh, tên núi, tên khe đã đi vào lịch sử.

Qua trò chuyện mới biết đoàn đi hôm nay là các bác thuộc lực lượng C3 đặc công Hương Thủy, là đơn vị đã đóng quân và chiến đấu tại chiến khu Dương Hòa giai đoạn 1967 – 1975 trong kháng chiến chống Mỹ. Đoàn đi gồm có bác Lê Hữu Tòng – nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy, bác Ngô Văn Hoàng – nguyên đặc công C3 Hương Thủy, bác Phan Văn Đình, bác Lê Văn Kháng thuộc lực lượng đơn vị hành lang huyện đội Hương Thủy thời chống Mỹ.

Đồng hồ chỉ 6 giờ 20 phút, cả đoàn vội vã lên xe máy cá nhân đi lên phía hồ chứa nước Tả trạch, cố gắng đi sớm nhất có thể kẻo các bác đã có tuổi, sợ trời trưa nắng sức khoẻ của các bác không chịu nổi. Hành trang mang theo cũng chỉ kịp chuẩn bị mấy chai nước suối, 1 bì bánh gạo và vài lon nước ngọt. Vừa đến thân đập chính hồ Tả trạch, cầm trên tay tấm bảng đồ cũ, bác Tòng nhanh chóng xác định các địa điểm, địa danh đã gắn với những ngày tháng chiến đấu gian khổ cách đây gần 50 năm trên vùng đất Dương Hòa, dù rằng hiện trạng không còn như trước.

Dưới hồ Tả trạch, chiếc ghe đuôi tôm nhỏ và mấy chiếc áo phao đã được địa phương và Ban quản lý Rừng phòng hộ Hương Thủy bố trí để hỗ trợ đưa đoàn các bác ngược hồ Tả trạch lên phía sông Hai Nhánh và các địa điểm năm xưa là nơi đóng quân, nơi diễn ra các trận đánh lớn nhỏ khác nhau của đơn vị C3 và các đơn vị khác trong lòng hồ Tả trạch. Những câu chuyện như không có hồi kết từ lúc quan cảnh của chiến trường xưa đập vào mắt các bác, hầu như ở đâu cũng có những kỷ niệm vui buồn, những trận đánh ác liệt và cả những hy sinh nằm lại của đồng đội nơi bờ khe, sườn núi.

Đoàn đi trên ghe đến địa điểm sông Hai Nhánh, nơi thượng nguồn sông Tả trạch chia đôi làm 2 dòng chảy bởi điểm cao 229 chắn giữa dòng như một cù lao. Đoàn đề nghị cho ghe đi quanh một vòng từ sông Hai Nhánh đến Bãi Gạo và vòng về lại khe Rùa, khe 57. Đoạn chia làm hai dòng là từ Bãi Gạo đến Thác Mít dài khoảng 2km, dù việc xây hồ Trả trạch nước dâng lên cao, nhưng các bác vẫn nhớ như in từng địa danh, hiện trạng lòng sông lúc trước và những kỷ niệm nơi đây. Dừng chân dưới điểm cao 229 là điểm cao mà lính Mỹ và tiếp đó là Ngụy chiếm đóng để kiểm soát, khống chế toàn bộ khu vực sông Hai nhánh, được xem như cửa rừng vùng hậu cứ cách mạng của ta đóng ở trong rừng.

Bác Lê Hữu Tòng nhớ lại: “địch thường xuyên bố trí ở điểm cao này ít nhất là một đại đội, nhiều nhất là một tiểu đoàn, có khi là một tiểu đoàn tăng cường, có pháo binh, máy bay trực thăng luôn luôn thường trực, sử dụng pháo 105mm bắn khống chế toàn khu vực, nên chúng ta gặp rất nhiều khó khăn”. Đây là một cửa ngõ được xem như “yết hầu” trên tuyến hành lan tiếp tế, vận chuyển lương thực và các nhu yếu phẩm từ các xã Hưng Hải (nay là xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) và xã Hải Thủy (nay là xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) lên các đơn vị của ta đóng quân ở Chiến khu Dương Hòa và cũng là tuyến đường huyết mạch để cán bộ, bộ đội ta lên về hoạt động, đánh địch tại các vùng đồng bằng phía Nam của Hương Thủy.

Xác định việc chiếm đóng điểm cao 229 của địch là vô cùng khó khăn và bất lợi cho hoạt động của ta, nên một tiểu đoàn đặc công của Thành đội Huế tổ chức lên đánh quân địch đóng điểm cao này vào đêm 6/7/1970 và có 04 người hy sinh gồm đ/c Long và đ/c Thành quê Nghệ An, đ/c Biển quê Thái Bình và 1 đ/c người Hà Tỉnh bác không nhớ tên. Bác Lê Hữu Tòng kể lại: “ lực lượng ta chia làm 03 mũi dưới khe đi lên để đánh địch, mũi đầu tiên là mũi chủ công đi lên, 04 đồng chí vào cắt hàng rào thì bị lộ và hy sinh nên cho quân rút lui về vị trí tập kết và sau đó một thời gian tổ chức đánh bằng hỏa lực bằng cối, B41… làm tiêu hao sinh lực địch, tuy nhiên vì dốc cao, có hàng rào và được bố trí trang bị quân, vũ khí đầy đủ nên ta không chiếm được điểm cao này, năm 1971 thì Mỹ rút quân và Ngụy tiếp tục thay thế, chiếm đóng” 

Còn nữa…

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.675.315
Truy cập hiện tại 646