Tìm kiếm tin tức
V/v khuyến cáo nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng
Ngày cập nhật 17/05/2024

Để chủ động ứng phó kịp thời tình trạng nắng nóng kéo dài, giảm thiểu thiệt hại cho người dân nuôi trồng thủy sản; UBND xã  triển khai một số nội dung sau:

1. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản

- Nhân viên Thú y xã thường xuyên theo dõi lịch trình điều tiết nước từ các công trình thủy điện, thủy lợi để thông báo sớm nhất có thể đến với người dân nuôi trồng thủy sản có biện pháp xử lý phù hợp cho vụ nuôi.

- Vận động cộng đồng người dân nuôi trồng thủy sản tổ chức nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy, các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, cua, nuôi xen ghép trong ao, hồ, đồng ruộng. Tạo điều kiện cho người nuôi thủy sản lồng bè có thể di chuyển tạm thời đến các vùng có độ sâu phù hợp, có lưu thông dòng chảy, chất lượng nước tốt để giảm mật độ lồng bè trong khu vực.

- Tăng cường công tác chỉ đạo vùng nuôi, khuyến cáo người nuôi chọn giống, thả giống ở các cơ sở sản xuất ương dưỡng uy tín, chất lượng và đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định.

2. Tổ chức hướng dẫn, phổ biến đến người nuôi chủ động áp dụng một số biện pháp kỹ thuật phù hợp

* Đối với thủy sản nuôi lồng trên sông/hồ

- Giãn khoảng cách giữa các lồng nuôi để tạo sự thông thoáng và trao đổi nước tốt hơn. Sử dụng lưới lan, lá dừa,... che bề mặt lồng bè nuôi để chống nóng cho thủy sản. Giảm mật độ cá nuôi trong lồng, bè nhưng hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào thời điểm nắng nóng trong ngày. Khi mực nước trên sông, hồ giảm, cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi luôn bảo đảm độ sâu ở mức trên 2m. Chuẩn bị sẵn sàng máy và trang thiết bị sục khí, nhiên liệu,... để cung cấp hàm lượng ôxy kịp thời cho cá nuôi trong trường hợp sông Đại Giang không có dòng chảy.

- Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để cá có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa,… vào thức ăn cho cá để cường sức đề kháng tăng. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường; ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 – 40ºC. 

- Thường xuyên theo dõi môi trường, kiểm tra sức khỏe cá nuôi, đặc biệt vào sáng sớm là lúc cá dễ nổi đầu do thiếu ôxy. Thu gom thức ăn thừa, xác thủy sản bệnh (chết), vệ sinh lồng nuôi; treo túi vôi ở lồng nuôi để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.

* Đối với nuôi thủy sản nước ngọt trong ao

- Duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,5-2m, tích cực tạo ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm. Thả 1/3 diện tích bèo tây, bèo tấm,... để tạo bóng mát;

- Theo dõi, quản lý yếu tố môi trường ao nuôi ở ngưỡng thích hợp. Chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với bổ sung vitamine C, khoáng chất, men tiêu hóa,... để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Giảm khẩu phần thức ăn và cho ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để thủy sản nuôi sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường; ngừng cho ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 – 40ºC. 

- Tiến hành thu tỉa khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.532.484
Truy cập hiện tại 3.050