Tìm kiếm tin tức
KẾ HOẠCH Thực hiện Chương trình trọng điểm về nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2024
Ngày cập nhật 17/01/2024

Căn cứ kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 29/12/2023 của UBND thị xã Hương Thủy về việc thực hiện Chương trình trọng điểm về nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2024.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, trên cơ sở Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 thị xã; thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương năm 2024, UBND xã ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

  1. Mục tiêu

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ về đổi mới trong hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức về vai trò quyết định của chất lượng giáo dục và đào tạo.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, giáo viên, đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho lao động nông thôn. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tăng cường đầu tư các điều kiện về nhân lực, vật lực, tài lực cho kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2024.

  1. Chỉ tiêu cụ thể

2.1. Đối với giáo dục

- Tỷ lệ huy động cháu vào Nhà trẻ đạt 13/60 trẻ tỷ lệ 21,6% phấn đấu đạt trên 40%; Mẫu giáo 71/80 trẻ tỷ lệ 88,7%; riêng trẻ 5 tuổi 29/29 trẻ đạt 100%.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng đối với cháu nhà trẻ và mẫu giáo ở cả hai thể thấp còi và cân nặng dưới 2,5%.

- Tỷ lệ huy động cháu 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.

- 100% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%.

- Tiêu chí trong phẩm chất, năng lực tốt trên 95%, hoàn thành xuất sắc môn học trên 32% đối với cấp tiểu học; xếp loại hạnh kiểm tốt trên 95% và học lực loại giỏi trên 31% đối với cấp THCS.

- Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày: 8/9 lớp, đạt 88,9% đối với cấp tiểu học; 2 buổi/ngày: 4/4 lớp, đạt 100% đối với cấp THCS.

 

- Không có học sinh bỏ học giữa chừng ở các cấp học.

- Tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi các cấp có giải tăng 7% so với năm học trước.

2.2. Công tác Phổ cập giáo dục – xóa mù chữ

Các trường Mầm non, tiểu học và THCS thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát đối tượng từ 0 đến 60 tuổi về trình độ dân trí (đang học, tốt nghiệp, bỏ học…) cập nhật vào phần mềm Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ giáo dục và đào tạo.

- Tiếp tục và duy trì số lượng và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

- Giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2, không có học sinh bỏ học.

- Có 450 gia đình, 05 cộng đồng, 04 đơn vị, 02 dòng họ và 150 công dân được công nhận đạt các danh hiệu học tập.

2.3. Về xây dựng đội ngũ

Chuẩn nghề nghiệp: bao gồm chuẩn cán bộ quản lý, công chức, viên chức; chuẩn nghề nghiệp giáo viên đạt 100%

- 100% cán bộ, công chức và viên chức sử dụng thành thạo máy tính.

- 100% trường thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên.

-100% cán bộ công chức, viên chức có ý thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

- 100% cán bộ giáo viên, nhân viên không vi phạm đạo đức nhà giáo, kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, không tham gia các tổ chức, hội, đoàn mà chưa được Nhà nước cho phép.

- 100% cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tương thân, tương ái; thực hiện nghiêm việc điều động, luân chuyển, biệt phái, thuyên chuyển của tổ chức.

2.4. Về các điều kiện phát triển giáo dục:

- Duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn hiện có. Rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt, phấn đấu 2 trường sớm được công nhận đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia; trường TH&THCS Dương Hòa phấn đấu đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2;

2.5. Về xây dựng cơ sở vật chất trường học

Quang tâm kiến nghị đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, chống xuống cấp, xây dựng và sửa chữa các hạng mục cần thiết; mua sắm và sữa chữa máy tính, máy chiếu, máy bị hư hỏng....cơ bản đảm bảo việc dạy và học.

II. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý:

1.1. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả và chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, phát huy vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương đối với giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành.

1.2. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vận động, định hướng về việc học nghề cho học sinh khối THCS và người lao động. Nêu cao vai trò của giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo. Xây dựng xã hội học tập, thực hiện công bằng trong giáo dục.

1.3. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, CCHC, chú trọng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục; chất lượng dạy học ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.

1.4. Nâng cao chất lượng, nhận thức của người dân, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn, xoá mù chữ và các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục

2.1. Triển khai có hiệu quả, sáng tạo việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của ngành. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng học tập của học sinh; nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

2.2 Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo chỉ đạo của Bộ GDĐT; tiếp tục thực hiện các mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ; triển khai thực hiện kế hoạch tích hợp giáo dục “Văn hóa địa phương” vào chương trình giáo dục mầm non.

2.3. Tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018; sách giáo khoa và đổi mới quản lý giáo dục gắn với đổi mới toàn diện và đồng bộ công tác kiểm tra, đánh giá, tổ chức một cách khách quan, nghiêm túc, chất lượng và đúng quy chế công tác thi, kiểm tra, đánh giá nhận xét và xếp loại học sinh.

2.4 Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mũi nhọn, phát triển tài năng. Tiếp tục cải tiến nội dung, phương pháp, quy trình phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu ở tất cả các trường học, duy trì và nâng cao chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; Các trường THCS, TH&THCS tổ chức được đội ngũ giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi ở các khối lớp cấp THCS, tăng cường cơ sở vật chất và các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu.

2.5 Bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục thể chất, y tế trường học; tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh; bảo đảm các điều kiện về vệ sinh và an toàn thực phẩm trong trường học, chú trọng công tác an toàn trường học, đặc biệt trong việc phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra.

2.6. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; công tác kiểm định chất lượng, ứng dụng Công nghệ thông tin và kể hoạch về nâng cao chất lượng dạy và học.

3. Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo

3.1. Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giáo dục Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Thực hiện các cơ chế chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên nhằm phù hợp với các điều kiện trong tình hình mới, thu hút người giỏi, tạo động lực phấn đấu cho giáo viên, nhân viên và các bộ quản lý.

3.2. Đảm bảo về số lượng và chuẩn về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, sàng lọc đội ngũ công chức, viên chức để bồi dưỡng năng lực chuyên môn. Nắm bắt nhu cầu học nghề đối với lao động nông thôn địa phương để tổ chức đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp các mô hình sản xuất, kinh doanh...

4. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất

- Tập trung huy động, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư trên địa bàn để ưu tiên đầu tư các dự án còn lại thuộc Chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng tường rào, sân chơi bãi tập, phòng chức năng, thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em dưới 5 tuổi cho các trường học. Tăng cường quản lý thực hiện có hiệu quả chương trình nhà vệ sinh và nước sạch trong trường học, bố trí quỹ đất cho các trường đảm bảo đủ diện tích theo quy định.

- Ưu tiên kiến nghị UBND thị xã phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng để các trường sớm đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và 2 theo lộ trình. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất có trọng điểm.

- Các trường chủ động dự toán tổng mức kinh phí tối thiểu cần phải đầu tư xây dựng trường chuẩn; tích cực huy động và phân bổ các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp trên, ngân sách địa phương và tích cực vận động sự đóng góp xã hội hóa. Kết hợp với Ban đại diện Cha mẹ học sinh huy động hợp lý, có hiệu quả sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào các hoạt động giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện nâng cao hiệu quả giáo dục của nhà trường.

5. Tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục

- Tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục, vừa thu hút nguồn lực, vừa huy động được sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, nâng cao trách nhiệm của địa phương và gia đình cùng với nhà trường chăm lo giáo dục học sinh.

- Tiếp tục kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp để quan tâm, đầu tư hỗ trợ, tăng cường xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các trường học trên địa bàn xã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện chương trình, báo cáo UBND xã.

2. Công chức Tài chính - kế toán xã phối hợp với các trường học trên địa bàn xã tham mưu UBND xã bố trí các nguồn kinh phí, cân đối các nguồn lực đảm bảo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình.

3. Đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội: Chỉ đạo các Hội, các đoàn thể phối hợp hoạt động tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ giáo dục; thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với việc nâng cao trình độ dân trí; động viên hội viên, đoàn viên lao động trong các đơn vị, tổ chức tham gia công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ.

- Thực hiện tốt ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, huy động trẻ ra lớp đi học đúng độ tuổi gắn để đảm bảo các điều kiện cho trẻ được học tập, nâng cao trình độ văn hóa, có những biện pháp thiết thực để động viên khuyến khích, hỗ trợ những gia đình khó khăn có đủ điều kiện cho trẻ học tập, tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

3. Công chức phụ trách lĩnh vực Văn hóa xã hội: phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện tốt các nội dung liên quan đến công tác giáo dục; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo theo phân công. Phối hợp các ngành và đơn vị đào tạo tổ chức chiêu sinh, mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo trên địa bàn xã; tăng cường hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề, đảm bảo việc làm cho người lao động.


 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.536.890
Truy cập hiện tại 899