Tìm kiếm tin tức
CHI BỘ DƯƠNG HÒA LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1965)
Ngày cập nhật 11/04/2019

CHI BỘ DƯƠNG HÒA LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1965)

I. Dương Hòa từ tháng 7/1954 đến cuối năm 1959.

1. Tình hình Dương Hòa sau Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954.

Sau Hiệp định Giơnevơ, cuộc đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên Huế nhanh chóng chuyển sang bước ngoặt lịch sử, từ chỗ đại bộ phận nông thôn đồng bằng là vùng giải phóng hoặc khu du kích liên hoàn, miền núi, hầu hết là vùng tự do nay chuyển thành vùng do đối phương kiểm soát; từ chỗ ta có chính quyền quân đội nay chỉ còn lực lượng chính trị; từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị; từ hoạt động công khai (ở vùng giải phóng) chuyển vào hoạt động bí mật. Đó là những thay đổi rất căn bản cả về thế và lực, cả về hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng.

Lợi dụng sự suy yếu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ gấp rút thực hiện âm mưu: “Tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn Chủ nghĩa xã hội xuống Đông Nam châu Á.

Đồng thời lấy miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc - tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, hòng đè bẹp và đẩy lùi Chủ nghĩa xã hội ở vùng này, bao vây và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác”[2]. Chủ trương của đế quốc Mỹ là áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam bằng công thức: Cố vấn Mỹ, viện trợ Mỹ, chế độ ngụy quyền tay sai.

Để thực hiện âm mưu thủ đoạn đó, đế quốc Mỹ đã triển khai một loạt các biện pháp chiến lược sau:

  • Gạt thực dân Pháp và mọi thế lực thân Pháp ra khỏi bộ máy chính quyền, lập chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm mà đại diện tối cao ở miền Trung là tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn.
  • Cải tổ lại lực lượng quân đội ngụy thân Pháp, tăng cường số lượng và khả năng tác chiến để thay thế quân đội Pháp sau khi Pháp rút quân. Ở Trị - Thiên chúng thành lập sư đoàn chủ lực mạnh và hiếu chiến nhất lúc đó mệnh danh là “Sư đoàn Bắc tiến”, tổ chức đơn vị vũ trang để bảo vệ Huế gọi là “Lính cụ Cẩn”, lập các đơn vị Bảo an ở tỉnh, dân vệ ở quận và xã. Ở cấp xã (1 xã có từ 1 đến 3 trung đội dân vệ xã). Thành lập các đội biệt kích áo đen (Hắc báo) để hỗ trợ cho việc “Tố cộng”.
  • Thành lập các đảng phái phản động, tập hợp các thế lực chính trị làm hậu thuẫn cho nguỵ quyền và tiến hành chương trình cải cách điền địa, lập các khu đinh điền. Ở Thừa Thiên Huế chúng hình thành các khu tập trung lớn như: Nông trường Ngô Đình Khôi ở Phú Lộc, nông trường Ngô Đình Cẩn ở Hòa Mỹ...
  • Thực hiện “quốc sách” “tố cộng, diệt cộng” một cách đê hèn, dã man với những cực hình man rợ. Mở các chiến dịch “tố cộng” quy mô như: “Phan Chu Trinh”, “Trịnh Minh Thế”, “Thoại Ngọc Hầu” với đỉnh cao là các chiến dịch “tố cộng” (từ tháng 01/1955 đến tháng 02/1957) do tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn chỉ huy.

2. Tình hình Dương Hòa từ sau Hiệp định Giơnevơ đến cuối năm 1959

Với mong muốn có một cơ cấu chính quyền địa phương mạnh, ổn định để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta, địch đã thay đổi địa giới, chia thành nhiều khu vực nhỏ từ Trung ương đến địa phương để dễ bề quản lý. Đầu năm 1955, địch chia xã Hương Thọ thành 2 xã: Thượng Hòa (gồm 5 thôn đó là Vạn Độc Lập, Lương Miêu, Dương Hòa, Đình Môn, Kim Ngọc) và Thượng Điền (gồm các thôn Hải Cát, La Khê Trẹm, La Khê Bãi, Thạch Hàn, Bình Điền, Diễn Phái). Sau đó nhập 2 xã này với xã Thượng Bằng (Hương Thủy) để thành lập quận Thượng Du (17/5/1955) và đến năm 17/5/1958 quận Thượng Du đổi tên là quận Nam Hòa[3].

Đồng thời với việc chia nhỏ địa giới, địch còn tìm cách gạt những người thân Pháp tham gia trong bộ máy hành chính của chính quyền địa phương, thay các thành viên trong Hội đồng hành chính bằng Ủy ban hành chính và tăng cường tổ chức các cơ quan an ninh và dân vệ xã. Phụ trách bộ máy quân sự ở xã là Ủy viên cảnh sát kiêm tổng đoàn dân vệ chỉ huy khoảng 3 trung đội lính dân vệ. Chúng lập Nha đại diện[4] của 3 xã Thượng Hòa, Thượng Điền và Thượng Bằng do Tôn Thất Tám làm đại diện, tên Đình làm Chi trưởng an ninh[5]. Ở mỗi thôn có Ban trị sự thôn và các Ủy viên Thanh niên Cộng hòa để nắm lực lượng trẻ, thực hiện âm mưu vũ trang thanh niên để bổ sung cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Nhân dân Dương Hòa (Thượng Hòa) trong thời kỳ này chịu sự thống trị của tập đoàn quân phiệt do tên ác ôn Bùi Tạo (tức Bùi Ngọc Anh) làm Xã trưởng.

Cam tâm làm tay sai cho đế quốc Mỹ, theo lệnh quan thầy Mỹ, ngụy quyền Ngô Đình Diệm ngoan cố không chịu thực hiện những điều khoản của Hội nghị Giơnevơ 1954 về việc Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngày 23/10/1955 bọn chúng tổ chức trò bịp “trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại, tự xưng là Tổng thống Việt Nam cộng hòa, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội (04/3/1946) ban hành Hiến pháp của nền “đệ nhất cộng hòa”, trắng trợn, vi phạm điều khoản của Hiệp định Giơnevơ.

Do đặc điểm Dương Hòa (Thượng Hòa) là vùng hậu cứ của cách mạng, để bao vây, cắt đứt, cô lập sự liên lạc giữa chiến khu cách mạng và đồng bằng cũng như thành phố Huế, địch đã xây dựng hệ thống đồn bốt, cứ điểm, chốt chặn quanh khu vực trung tâm xã và vùng xung quanh như: căn cứ Mỏ Tàu, căn cứ A-se-nôn, đồn Tân Ba - Động Hoàng, đồn Võ Xá, đồn Dương Phẩm - Chóp Vung và chi khu quân sự quận lỵ Nam Hòa.

Ngoài bộ máy kìm kẹp về quân sự, địch còn thành lập nhiều tổ chức đảng phái phản động làm công tác tình báo, điệp báo về bắt bớ nhân dân. Để mị dân địch cũng thành lập nhiều tổ chức bề nổi như: Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ Liên đới, phong trào cách mạng quốc gia đặt dưới sự kiểm soát của Đảng Cần lao nhân vị, góp phần đắc lực cho chính sách cai trị đẫm máu của ngụy quyền ở Dương Hòa (Thượng Hòa).

Sau khi thiết lập xong bộ máy kìm kẹp ở cơ sở, từ tháng 6/1955, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố, trả thù tàn sát những người kháng chiến cũ, những người yêu nước bằng chủ trương “tố cộng, diệt cộng” với phương châm tiêu diệt Việt cộng không thương tiếc, “tiêu diệt như tình trạng trong chiến tranh”, “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Đối tượng khủng bố trả thù này là những người trước đây đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Để thực hiện có hệ thống chính sách “tố cộng”, chính quyền tay sai ở các địa phương đã thực hiện một số biện pháp cụ thể như:

  • Cải tổ bộ máy chính quyền xã bằng cách bổ sung vào Ủy ban hành chính xã một ủy viên chuyên trách để tăng cường bộ máy kìm kẹp thống trị của chúng. Ngày 07/12/1957 theo Quyết định số 5/NV chúng bổ sung Ủy viên thanh niên cộng hòa vào cơ cấu Ủy ban hành chính xã để nắm lực lượng trẻ, phục vụ cho âm mưu vũ trang thanh niên, bắt lính bổ sung cho quân đội Việt Nam Cộng hòa.
  • Quy định một hệ thống luật phát xít mà đỉnh cao là Luật 10/59 để hợp pháp hóa việc lê máy chém đi khắp hang cùng ngõ hẻm truy diệt những người yêu nước.

Tại Dương Hòa (Thượng Hòa), để bày tỏ lòng trung thành tận tụy với chế độ độc tài của Mỹ - Diệm, bọn tay sai, bọn ác ôn ở Dương Hòa do Bùi Tạo đứng đầu đã ráo riết triển khai nhiều điểm “tố cộng”, huy động nhiều lượt người đến đây để học tập tại trụ sở các thôn Dương Hòa, Lương Miêu, Đình Môn… Làng Đình Môn là nơi quy tụ số lượng người học đông nhất, các địa điểm khác mỗi lượt huy động có khoảng từ 30 - 40 người. Những đối tượng chúng cho là “nguy hiểm hơn” thì bị quy tụ lên học tập “dài hạn ở, Chi khu quân sự quận Thượng Du (đến 17/5/1958 đổi tên là Chi khu quân sự quận Nam Hòa)” như trường hợp của đồng chí Lê Văn Vung, Phan Văn Xuyên, Nguyễn Văn Toàn…[6]

Trong quá trình tiến hành chính sách “tố cộng” chúng đã đánh đập nhân dân một cách dã man. Nhiều người bị chúng bắt nằm ngửa đổ nước xà phòng, nước ớt trộn lẫn nước tiểu hay phân vào mũi, miệng, rồi mang giày cứng dẫm lên bụng nạn nhân để cho nước (có khi lẫn cả máu) trào ra miệng, mũi. Với kiểu tra tấn này sẽ không để lại vết tích giúp chúng dễ bề qua mắt sự giám sát của Ủy ban Liên hợp quốc tế. Đa số gia đình cơ sở của ta đều bị tra tấn theo cách này.

Hành hạ, đánh đập tra tấn chưa đủ, bọn chúng còn dùng hình thức “trói dây mềm” và bắt trình diện định kỳ 10 ngày một lần làm bản kiểm điểm, buộc người bị tố căng thẳng thần kinh phải khai báo.

Trong việc truy bắt những người yêu nước phải nhận “việt cộng” hoặc “thân cộng” nhiều nhục hình man rợ đã được áp dụng. Chúng dùng nhục hình gọi là “sám hối”, bắt người bị tố phải đứng hoặc quỳ trên một hòn gạch cao, mắt phải nhìn thẳng vào một ngọn đèn đặt dưới tấm ảnh Ngô Đình Diệm, nạn nhân thường phải đứng hoặc quỳ thẳng người như vậy từ nửa đêm đến sáng, gây căng thẳng để buộc họ phải “ly khai cách mạng”.

Chính sách “tố cộng, diệt cộng” của kẻ địch tàn nhẫn không chỉ bằng những hình thức tra tấn cực hình, mà thô bỉ hơn, đối với phụ nữ chúng còn cưỡng bức những chị em có chồng đi tập kết phải ly dị chồng, rồi dụ dỗ ép buộc họ phải kết hôn với những tên tay sai của chúng. Thủ đoạn khủng bố man rợ này đã chà đạp thô bạo tình cảm thiêng liêng giữa vợ chồng con cái trong gia đình, phá hoại truyền thống thủy chung tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xúc phạm đến nhân quyền, văn minh của loài người tiến bộ. Đồng thời, nó còn đánh một đòn ly gián, bôi đen lý lịch gia đình có con em tham gia cách mạng, hay thoát ly đi tập kết để “tách Cộng sản ra khỏi cơ sở quần chúng”, thực hiện phương châm “tát nước bắt cá”, “khuấy nước động bùn”.

Trong hai năm 1955 - 1956 cùng với việc đẩy mạnh các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” nhằm triệt phá cơ sở cách mạng ở nông thôn, Ngô Đình Diệm đã tiến hành cái gọi là “cải cách điền địa” ở nông thôn miền Nam. Chính sách cải cách điền địa của chính quyền Ngô Đình Diệm là một bộ phận trong cuộc phản công toàn diện của các lực lượng phản cách mạng, tay sai của Mỹ vào phong trào cách mạng ở nông thôn miền Nam nhằm xóa bỏ thành quả ruộng đất mà chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân, khôi phục chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, lôi kéo tranh giành nông dân với cách mạng. Bằng âm mưu này chúng đã chiếm lại từ 70 - 80% ruộng đất mà chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân.

Đến cuối năm 1959, địch đã xây dựng được chính quyền ở Đình Môn. Tuy nhiên chúng vẫn không thể kiểm soát được nhân dân. Phong trào đấu tranh của nhân dân ở Dương Hòa (Thượng Hòa) tiếp tục được đẩy mạnh. Nhân dân La Khê Trẹm hoạt động dưới vỏ bọc ban ngày là nông dân chăm chỉ công việc đồng ruộng, nhưng ban đêm lại hoạt động cách mạng, tích cực tổ chức tiếp tế cho cán bộ ở trong rừng núi phía Tây của thôn, bắt liên lạc để đưa thanh niên trong thôn thoát ly chiến đấu.

Tóm lại, tất cả các biện pháp thâm độc nói trên của kẻ địch nhằm độc chiếm Dương Hòa (Thượng Hòa), tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân ta, mà trước hết là các tổ chức Đảng tại đây. Trong tất cả các biện pháp đó thì biện pháp chiến lược chủ yếu là “tố cộng, diệt cộng”, nhằm xóa bỏ lực lượng cách mạng của Đảng và mọi ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân.

3. Phong trào cách mạng của nhân dân Dương Hòa[7] từ tháng 7/1954 đến cuối 1959.

Chính sách khủng bố, đàn áp dã man của Mỹ Diệm đã làm cho nhân dân ta ở miền Nam vô cùng căm phẫn. Có áp bức thì có đấu tranh, trước bạo lực phản cách mạng của quân thù, nhân dân Dương Hòa (Hương Thọ) đã nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất tiến hành cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt nhưng vô cùng anh dũng, tay không chống lại quân thù.

Xuất phát từ tình hình cách mạng nước ta, mà đặc điểm lớn nhất là

Nam Bắc chia làm hai miền. Dưới ánh sáng Nghị quyết 9 của Bộ Chính trị tháng 9/1954, đề ra nhiệm vụ chung là: “Đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện hiệp định đình chiến. Củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước”[8].

Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Khu ủy 4 chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt là phải: phát động quần chúng nông thôn và thành thị đấu tranh với kẻ địch, phải thi hành triệt để Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh theo phương châm “có lý, có tình, có lợi và đúng mức, kết hợp chặt chẽ giữa hợp pháp và không hợp pháp, lấy không hợp pháp là chính”. Khu ủy 4 còn xác định Trị - Thiên là “Khu đệm” giữa hai miền, phải khéo léo vận dụng sách lược và phương châm đấu tranh sao cho phù hợp với nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước đã được vạch ra trong bối cảnh lúc đó là chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, từ Đảng hoạt động công khai sang hoạt động bí mật để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng[9].

Tại Hương Trà, vào tháng 7/1954, Huyện ủy đã kiện toàn lại Ban Chấp hành gồm 5 ủy viên do đồng chí Lê Phước Thương làm Bí thư

Huyện ủy. Huyện ủy đã tăng phái một số cán bộ cơ quan huyện về Khu A (Hương Mai, Hương Thái, Hương Bình, Hương Thọ) để chỉ đạo phong trào. Một số cán bộ chủ chốt các xã được chọn ở lại không tập kết được, Huyện ủy chỉ định làm hạt nhân để tiến hành thành lập các Xã ủy và Chi bộ nhỏ. Mỗi Xã ủy không quá 7 đồng chí, mỗi Chi bộ chỉ từ 3 đến 7 đảng viên, cử 2 đồng chí làm Bí thư. Do hoạt động trong vùng đối phương kiểm soát nên việc tổ chức Xã ủy, Chi bộ nhỏ phải đảm bảo tinh gọn, trung thành và bí mật tuyệt đối.  

Đối với Hương Thọ, trên cơ sở sự phát triển của đông đảo lực lượng đảng viên, Chi bộ xã đã được nâng lên thành Đảng bộ. Những đồng chí được phân công ở lại đã thành lập Xã ủy gồm các đồng chí: Phan Nghệ - Bí thư, Trương Phước Kế - Phó Bí thư, Chi ủy viên là các đồng chí Lê Truyện, Trần Quang Bính, Nguyễn Nghí (tức Nguyễn Trọng Tài), đồng chí Thâm và Nguyễn Văn Dương[10].  Ở mỗi thôn được tổ chức 1 chi bộ gọi là chi bộ nhỏ, thôn nhiều đảng viên được tổ chức 2 chi bộ như Đình Môn, La Khê Trẹm[11]. Chi bộ thôn Dương Hòa hoạt động bí mật do các đồng chí Lưu (Kim Ngọc), đồng chí Kế (La Khê Trẹm), đồng chí Bách (cán bộ huyện chỉ đạo phong trào) chỉ đạo.

Mặt khác, do đặc điểm Dương Hòa lúc này là một thôn của xã Thượng Hòa quận Thượng Du (địa bàn hành chính theo hệ thống của địch). Nhưng đối với chính quyền cách mạng thì Dương Hòa vẫn là một bộ phận của xã Hương Thọ huyện Hương Trà. Chiến khu Dương Hòa lại là hành lang nối liền với vùng sâu Hương Thủy, do đó Dương Hòa nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh và hai Huyện ủy Hương Thủy, Hương Trà.

Dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Nguyễn Lam (Ái), Lê Đình Phố, Nguyễn Giác - Ban cán sự xây dựng miền núi của Hương Thủy và đồng chí Cảm - Ban cán sự xây dựng miền núi của Hương Trà, một số đồng chí đã được phân công về Dương Hòa chỉ đạo phong trào đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước, chống “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm ở Dương Hòa (Hương Thọ). Thông qua hoạt động của cán bộ chỉ đạo miền núi, cơ sở Đảng ở vùng tạm chiến các huyện đã lên các thôn Dương Hòa, Lại Bằng liên lạc với cán bộ tỉnh, huyện và khẩn thiết yêu cầu “Đảng làm lại như kháng chiến 9 năm”.

Trong cuộc biểu tình đòi đắp đập Thuận An ngăn nước mặn đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống khủng bố, đòi thiết lập quan hệ Bắc - Nam ngày 01/5/1955 và cuộc míttinh đòi hiệp thương tổng tuyển cử tại Phu Văn Lâu của nhân dân Thừa Thiên Huế để đòi địch “Phải hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà theo Hiệp định Giơnevơ”, “Phản đối chính sách đàn áp, khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm” đều có sự tham gia tích cực của nhân dân Dương Hòa.

Ngay từ khi địch mở chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” trên đất Dương Hòa vào cuối 1955, nhân dân Dương Hòa vẫn kiên trì đấu tranh làm phá sản từng bước âm mưu của chúng. Nhiều người bị đánh đập một cách tàn nhẫn trong các đợt “tố cộng” song vẫn một lòng trung thành với Đảng, không chịu khai báo, vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, mong chờ ngày thống nhất đất nước, chồng con sum họp, nhiều câu hò rỉ tai nhau động viên hãy cố gắng chịu đựng gian nan, kiên trì đấu tranh.

“Tình thương thì gươm trường không sợ

Súng lục đạn có giương nòng, duyên nợ cũng không buông”.

 “…Thà rằng chịu tiếng thì chịu cho luôn

Dù ai có giơ gươm vàng gạn cổ thiếp cũng không buông nghĩa chàng”.

Không những không chịu khai báo, nhiều gia đình tại Dương Hòa còn nhận làm hầm bí mật để nuôi dưỡng cán bộ khi địch tiến hành “tố cộng”. Điển hình như gia đình của bác Lê Văn Vung, bà Chế Thị Chim (mệ Đậu), bà Út hay tấm gương của mẹ Trần Thị Côi (mẹ Bàng) ở Dương Hòa trong lúc địch bắt đi học “tố cộng” vẫn bí mật để lại gạo, cơm nuôi đồng chí Hoàng Lanh và các đồng chí khác[12]. Nhiều cơ sở nội tuyến trong lực lượng dân vệ, thanh niên cộng hòa ở thôn Dương Hòa đã được xây dựng.

Để phá tan âm mưu “tố cộng công khai” của kẻ địch, nhân dân Dương Hòa (Hương Thọ) đã sử dụng phổ biến sách lược “lẩn tránh và ngồi im”. Viện cớ là bận công việc làm ăn, nhân dân không bao giờ chịu đi học đồng loạt, ban ngày thì viện lý do bận sản xuất, ban đêm bận con cái để khỏi đi học “tố cộng”.

Trong những năm 1955, 1956 cán bộ, đảng viên hoạt động bí mật bị địch o ép, đàn áp khốc liệt, khủng bố trắng, phải giả dạng đi làm mây, làm gỗ ở Khe Dài, Khe 57 để tìm cách liên lạc với cán bộ, sau một thời gian không gặp được cấp trên phải về sống hợp pháp, bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. 

Đến giữa năm 1956, Mỹ Diệm công khai trở mặt, không chịu thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, đơn phương tổng tuyển cử và hô hào “Bắc tiến”.

Đứng trước tình hình phong trào đồng bằng và thành phố bị tổn thất nặng nề, tháng 11/1957 Thường vụ Tỉnh ủy họp tại bản Ấp Rùng, xã Thượng Long (miền Tây huyện Phú Lộc) quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên Huế thành căn cứ địa cách mạng toàn tỉnh.

Trong công tác xây dựng miền núi, Tỉnh ủy xác định nội dung chủ yếu là phát động cho được lòng yêu nước và căm thù giặc của đồng bào miền núi, từng bước bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với đồng bào các dân tộc, giữ gìn khối đại đoàn kết các dân tộc Kinh - Thượng.

Phương châm hành động là đẩy mạnh đấu tranh chính trị trực diện, giữ thế hợp pháp, lợi dụng ngụy quyền “hai mặt” để đấu tranh và từ năm 1958 trở đi có kết hợp vũ trang, tự vệ[13].

Để thực hiện chủ trương nói trên, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở Dương Hòa (Hương Thọ) Thường vụ Huyện ủy đề ra một số công tác cụ thể sau:

  • Lãnh đạo quần chúng đấu tranh buộc địch phải bồi thường việc triệt phá tre của nhân dân trong “chiến dịch khai quang”. Phong trào đấu tranh nổ ra đầu tiên ở Đình Môn sau đó lan ra toàn xã.
  • Chọn người giới thiệu vào đội du kích trung kiên bí mật để bảo vệ cán bộ và đánh trả lại địch khi cần.
  • Đẩy mạnh công tác binh vận và xây dựng các “cơ sở quần chúng mới” để hạn chế hành động ác ôn của địch, giữ được mối dây liên hệ giữa Đảng và quần chúng.
  • Vận động những gia đình cơ sở trung kiên làm hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động, tiêu biểu như gia đình của ông Nguyễn Khuê, bà Nuôi, ông Đỗ Nhơn, ông Lê Văn Vung, bà Út và gia đình bà Trần Thị Côi (bà Bộ Bàng).
  • Để bảo đảm bí mật ta chủ trương “thông tin liên lạc đơn tuyến” với hình thức như “Hộp thư chết”[14]  hay “ám hiệu bông trang”[15] ... để nắm tình hình địch và truyền đạt chủ trương của cán bộ cấp trên về cơ sở.

Từ 1957 đến 1959 địch tập trung càn quét lùng sục ở Dương Hòa (Thượng Hòa) vì chúng biết được bộ máy lãnh đạo của tỉnh, huyện đóng ở đây. Chúng điều về đây 2 trung đoàn luân phiên có mặt ở Dương Hòa (Thượng Hòa) là Trung đoàn 51 và 54 bộ binh của Sư đoàn 1, chưa kể các đại đội bảo an, dân vệ tại chỗ của chi khu quân sự quận Nam Hòa liên tục đi càn lên vùng rừng núi Dương Hòa (Thượng Hòa). Với chủ trương ba sạch “giết sách, phá sạch, đốt sạch”, chúng muốn cô lập cán bộ cách mạng “tát nước để bắt cá”, “khuấy nước động bùn”.

Tóm lại, trong giai đoạn đầu từ tháng 7/1954 đến cuối năm 1959 ban đầu phong trào cách mạng ở Dương Hòa (Hương Thọ) bị chìm trong biển máu, nhưng đến năm 1958 đã có bước đột phá. Có thể nói, thời kỳ này, Dương Hòa (Hương Thọ) là một trong những điểm nóng trong phong trào đấu tranh chính trị của huyện Hương Thủy và Hương Trà. Tuy có sự lúng túng khi địch khủng bố trắng, song Chi bộ Dương Hòa (Hương Thọ) đã kịp thời chấn chỉnh chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, giữ được những quyền lợi đã giành được trong kháng chiến chống Pháp, nhất là quyền lợi ruộng đất cho nông dân và phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước… Thắng lợi của phong trào đã tạo điều kiện hình thành mặt trận liên minh rộng rãi, phối hợp được phong trào đấu tranh đồng bằng và miền núi. Có nhiều cuộc đấu tranh chính trị có tính chất bạo lực, là cơ sở thực tiễn khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, với phương châm đấu tranh “hai chân ba mũi”…

II. Dương Hòa từ cuối năm 1959 đến cuối năm 1965.

1. Âm mưu của địch:

Đầu năm 1961, địch tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chúng đã xây dựng các ấp chiến lược ở Thượng Hòa trải dài từ Lương Miêu đến La Khê Trẹm, trong đó vị trí trung tâm là làng Đình Môn, ở đây địch xây dựng ấp chiến lược Đình Môn thành ấp chiến lược thí điểm của quận Nam Hòa. Qua ấp chiến lược thí điểm Đình Môn, địch muốn chứng minh sức mạnh để khống chế Dương Hòa (Thượng Hòa).

Trong các ấp chiến lược, chúng thực hiện chính sách kìm kẹp gắt gao bằng cách tổ chức nhiều gia đình theo khu vực, hợp thành những liên gia chống cộng mà chúng gọi là “ngũ gia liên bảo” để kiểm soát lẫn nhau. Mỗi gia đình bắt buộc phải “treo cờ ba que”, phải sắm mõ, gậy tầm vông, một ngọn đuốc để bất cứ lúc nào cũng có thể “bắt sống Việt cộng” và hăm dọa nếu ai chứa chấp “Việt cộng” đều bị coi là “cộng sản”. Bằng hệ thống “Ngũ gia hoặc tam gia liên bảo”, địch đã thực hiện cuộc chiến tranh phân tuyến, phân vùng với ta, coi đó là “phòng tuyến chống cộng vững chắc ở nông thôn”.

Để o ép, tách cán bộ ra khỏi cơ sở quần chúng, chúng đã xây dựng hệ thống ấp chiến lược để qui dân vào đó nhằm thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá”, “khuấy nước động bùn”. Ngay trên địa bàn Dương Hòa (Thượng Hòa, Nam Hòa), địch đã xây dựng hai ấp chiến lược kiểu mẫu:

  • Ấp chiến lược thôn Dương Hòa là điểm qui dân của 2 xóm Buồng Tằm và xóm Hạ.
  • Ấp chiến lược xóm Hộ là điểm qui dân của xóm Hộ, Lương Miêu và vạn Độc Lập.

Hỗ trợ cho quá trình thực hiện các biện pháp và thủ đoạn trên, địch ra sức củng cố ngụy quyền ở thôn xã, đưa những tên ác ôn nhất trong Thiên chúa giáo hay Đảng “Cần lao nhân vị” lên nắm chính quyền, tích cực phát triển lực lượng vũ trang phản động ở thôn xã[16] và tiến hành đoàn ngũ hóa quần chúng, quân sự hóa thanh niên, ngoài tổ chức “thanh niên cộng hòa” có từ trước, chúng còn bắt thanh niên vào các tổ chức quân sự như “thanh niên xung kích”, “thanh niên bảo vệ hương thôn”

2. Chủ trương và hoạt động của ta:

Tháng 01/1959 Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, đánh dấu một mốc quan trọng cho cách mạng miền Nam. Để quán triệt tinh thần Nghị quyết 15, tháng 07/1959 Hội nghị cán bộ toàn tỉnh đã được triệu tập tại làng Ca Chê, xã Hương Sơn (miền núi Hương Trà) với sự tham gia của các đồng chí Tỉnh ủy viên, cán bộ cốt cán các huyện, Ban cán sự Đảng miền núi và các đồng chí phụ trách công tác của Tỉnh ủy. Hội nghị đã quyết định nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, tổ chức của tỉnh trong tình hình mới và kiện toàn lại Tỉnh ủy mới đủ sức đảm đương trách nhiệm lãnh đạo thực hiện Nghị quyết

15 gồm 9 đồng chí, do đồng chí Ngô Lén (Hà) làm Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Thanh (Tư Chúc) Phó Bí thư Tỉnh ủy, bố trí lại các Huyện ủy Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc…, thành lập đội công tác ở các huyện. Phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp làm Bí thư Huyện ủy và phụ trách các huyện. Đồng chí Nguyễn Thắng (Văn) phụ trách Hương Thủy.

Sau Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại Ca-Chê (Hương Sơn, Hương Trà) tháng 7/1959, các huyện và thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết của Tỉnh ủy, củng cố tổ chức, triển khai thế đứng ở giáp ranh, tạo hành lang về đồng bằng[17].

Ngày 29/11/1959 Huyện ủy Hương Trà mở Hội nghị tại Cây Thị (núi Long Hồ, Hương Mai). Hội nghị đã đánh giá lại tình hình, nhất là tình hình đảng viên, cán bộ cơ sở và đề ra một số nhiệm vụ cụ thể đối với Hương Trà theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy là: mở một đợt tuyên truyền, vận động quần chúng kết hợp cả hình thức bí mật và công khai theo lối mít tinh, tuyên truyền xung phong; đột nhập một số ấp để phá các hình thức kìm kẹp quần chúng của địch; rà soát lại số đảng viên, cơ sở quần chúng để móc nối, xây dựng lại cơ sở thực hiện nhiệm vụ; cảnh giác cách mạng và giáo dục một số tay sai của Mỹ - Diệm lỡ lầm trở về với cách mạng.

Sau Hội nghị, một số Huyện ủy viên và cán bộ cốt cán được phân công về tìm cách móc nối lại cơ sở. Ở Hương Thọ, Huyện ủy phân công đồng chí Nguyễn Nghí làm Bí thư Đảng bộ Hương Thọ, trực tiếp xây dựng cơ sở xã Hương Thọ. Thông qua một số người dân đi làm rừng, các cán bộ đảng viên Hương Thọ đã móc nối được với các cơ sở cũ để tuyên truyền, xây dựng lại phong trào. Một số căn cứ cách mạng mới đã được xây dựng tại các thôn Dương Hòa, Hải Cát Thượng và Hải Cát Hạ; móc nối thêm một số cơ sở bên trong như bà Nguyễn Thị Đậu ở Dương Hòa… Các cơ sở đã nắm tình hình địch, bới cơm cho cán bộ, làm đường dây trao đổi, mạn đàm từng nhóm nhỏ về tình thế, về tội ác của giặc, hướng quần chúng đấu tranh chống lại các thủ đoạn của địch(1).

Trong đợt “thức tỉnh quần chúng” từ ngày 30/12/1959 đến 06/01/1960, ở Hương Thọ truyền đơn được rải quanh các làng Hải Cát, Dương Hòa, Đình Môn, cờ Đảng bay trên núi Kim Phụng, điện Hòn Chén, lăng Gia Long… đã làm cho nhân dân thấy được cờ đỏ, khẩu hiệu, truyền đơn của cách mạng, người dân nào cũng nghe và thấy cán bộ của cụ Hồ đã về với dân.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Mặt trận đã ra Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm. Hưởng ứng lời kêu gọi và Chương trình hành động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nhân dân Hương Thọ không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, đảng phái, không phân biệt dân tộc Kinh, Thượng, không phân biệt chính kiến, xu hướng chính trị, tất cả xiết chặt hàng ngũ, chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, kiên quyết đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm, giành độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, cải thiện đời sống, thực hiện hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà2.

Đến năm 1961, để tập trung chỉ đạo phong trào miền núi, Tỉnh có chủ trương cắt xã Hương Thọ về cho Hương Thủy. Với sự điều chỉnh đó, Chiến khu Dương Hòa nằm gọn trong địa bàn huyện Hương Thủy, bao gồm các thôn Lương Miêu, Thác Hộ, Dương Hòa, Đình Môn, Kim Ngọc, La Khê Trẹm, Thạch Hàn và Hải Cát. Vùng chiến khu với trung tâm là làng Dương Hòa và làng Đình Môn là nơi đóng

(1) (2) Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hương Thọ, Lịch sử Đảng bộ xã Hương Thọ (1930 - 2010), Huế, tháng 4/2015, Bản đánh máy, trang 52-53; 53-54.

quân của trung tâm đầu não kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Thừa Thiên Huế(1)

Sau thắng lợi của phong trào đồng khởi miền núi, tháng 4/1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế họp tại chòi con Hiên, làng Tapát (miền núi Phú Lộc), nhằm kiểm điểm tình hình trong tỉnh từ tháng 4/1954 đến cuối năm 1960 và quán triệt, triển khai  học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 tháng 9/1960, đề ra phương hướng, nhiệm vụ chống “Chiến tranh đặc biệt của Mỹ” ở địa phương. Các đồng chí đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh là Nguyễn Lam (Ái), Lê Đình Phổ, Đặng Tràm (Thân), Nguyễn Vinh. Đồng chí Nguyễn Vinh (Trác) được bầu vào Tỉnh ủy. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Huyện ủy Hương Thủy được thành lập, đồng chí Nguyễn Vinh (Trác) làm Bí thư Huyện ủy(2).

Thực hiện đường lối cách mạng miền Nam, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Giữa năm 1961, chiến trường Nam Trung Bộ được tổ chức thành 2 khu (Khu 5, Khu 4). Ngày 07/6/1961, Phân khu quân sự Trị Thiên gọi là phân khu Bắc (thuộc Khu V) được thành lập, do đồng chí Hoàng Giang làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Húng làm Chính ủy. Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Thắng (Văn) làm Trưởng ban. Tại Hương Thủy, Đại đội vũ trang 116 được thành lập tại đồi Voi - Khe Túi (Chiến khu Dương Hòa), gồm 15 đồng chí. Ban Chỉ huy quân sự huyện có một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần và xây dựng các tổ du kích mật ở các xã.

Trên đà phát triển của cách mạng miền Nam đã tạo điều kiện cho quân dân Dương Hòa đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chính trị, binh vận và quân sự, từng bước làm sụp đổ âm mưu về chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt” của kẻ thù ở đây.

(1),(2) Đảng bộ huyện Hương Thủy (1994), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Thủy, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 170 và các trang 170; 168-169.

Trong năm 1962, lực lượng vũ trang Hương Thủy phối hợp với lực lượng chính trị, binh vận của nhân dân để nổi dậy đấu tranh làm tan rã nhiều “ấp chiến lược” của địch trên toàn huyện. Đại đội vũ trang huyện (C116) phối hợp dân quân, du kích Dương Hòa đánh phá các“ấp chiến lược” ở Dương Hòa, Đình Môn…

Thông qua các gia đình cơ sở cách mạng và lực lượng nội tuyến, Đảng bộ Hương Thọ đã có chủ trương xây dựng chính quyền hai mặt ở các thôn. Ở Đình Môn, ta đã tổ chức được một chi bộ do đồng chí Nguyễn Nghí (tức Nguyễn Trọng Tài) làm Bí thư. Chi bộ đảng đã tổ chức dân quân vũ trang, xây dựng nội tuyến trong hàng ngũ địch và thực hiện công tác binh vận, dân vận. Nhờ vậy, Đình Môn đã xây dựng chính quyền hai mặt, ban ngày hoạt động trong ấp chiến lược với vỏ bọc là ngụy quyền, nhưng ban đêm lại là cách mạng. Mô hình chi bộ nội tuyến ở Đình Môn hoạt động có hiệu quả đã được rút kinh nghiệm và áp dụng cho các ấp chiến lược khác trên toàn xã Hương Thọ như Kim Ngọc, La Khê Trẹm, Lương Miêu, Dương Hòa[18], góp phần thực hiện chủ trương “biến ấp chiến lược của địch thành làng chiến đấu của ta”.

Bước sang năm 1963, phong trào cách mạng của tỉnh có bước phát triển. Căn cứ địa ở miền núi được củng cố, tạo được chỗ dựa vững chắc cho phong trào đồng bằng, khí thế tiến công cách mạng được phát huy cao độ trên tất cả các mặt trận.

Sau thắng lợi trong phong trào phá ấp chiến lược ở Hòa Mỹ (03/3/1963), đã mở ra khả năng đánh phá ấp chiến lược trong toàn tỉnh bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ chiến thắng Hòa Mỹ, Đảng bộ xã Hương Thọ ra quyết tâm đánh phá các ấp chiến lược trên địa bàn xã.  Đêm 14/3/1963, Đội công tác xã Hương Thọ do đồng chí Nguyễn Quyệt làm đội trưởng, đồng chí

Nguyễn Bách đội phó cùng với lực lượng du kích xã đã tổ chức tập kích 1 trung đội địa phương quân ở đồi Chè, phía Nam làng Đình Môn. Một tháng sau địch mở cuộc tấn công quy mô tiểu đoàn vào làng Đình Môn. Lợi dụng địa thế, địa vật Tỉnh đội Thừa Thiên Huế, Huyện đội Hương Thủy cùng quân dân xã Hương Thọ đã bố trí trận địa mai phục đánh bại quân địch ngay trên cánh đồng. Các trận đánh này đã làm cho lực lượng ngụy quân ở quận Nam Hòa và ngụy quyền xã, ấp, dân vệ hoang mang, dao động, tạo thế cho quần chúng đấu tranh chống địch[19].

Phong trào chống ấp chiến lược ở nông thôn phát triển đã hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh chính trị ở thành phố Huế của tiểu thương, sinh viên, trí thức lên mạnh, đặc biệt là từ sau vụ địch đàn áp đẫm máu đồng bào Phật tử ở Đài phát thanh Huế (05/8/1963) phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm lên cao, đã lôi cuốn hàng vạn quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ địch suốt 3 tháng liền. Phẫn uất trước hành động tàn ác dã man của kẻ địch, nhân dân Dương Hòa (Hương Thọ, Hương Thủy) đã hòa vào phong trào đấu tranh của Phật giáo để đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ. Một số cán bộ cơ sở của ta đã thâm nhập vào tổ chức “Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo” để lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị hỗ trợ cho đấu tranh quân sự.

Ngày 01/11/1963, đế quốc Mỹ buộc phải thay ngựa giữa dòng, làm đảo chính Diệm mong cải thiện tình hình chế độ ngụy quyền. Lợi dụng lúc hậu cứ của địch rối loạn, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh đánh phá ấp chiến lược, làm lỏng thế kìm kẹp của địch, tạo thế, tạo lực tiến lên đồng khởi ở nông thôn, đồng bằng.

Đêm mồng 02 và mồng 03/11/1963, các đội công tác xã Hương Thọ, Nguyên Thủy, Thủy Phương… phát động quần chúng tấn công trụ sở ngụy quyền xã, tạo điều kiện cho quần chúng đánh phá các “Ấp chiến lược” ở các xã vùng sâu, vạch rõ luận điệu lừa bịp của chúng về cái gọi là “thắng lợi cách mạng 01/11”(1). Nhờ sự chỉ báo của nhân dân, Đội vũ trang công tác huyện đã giết tên Con, một tên ác ôn khét tiếng ở Dương Hòa(2), tên Luyện ở La Khê, tên Bùi Tạo ở Đình Môn, góp phần làm lỏng một bước hệ thống kìm kẹp của địch ở Dương Hòa nói riêng và Hương Thọ, Hương Thủy nói chung.

Đến cuối mùa thu năm 1963 trở đi, cao trào đánh phá ấp chiến lược toàn miền Nam phát triển mạnh làm cho kế hoạch “bình định miền Nam trong vòng 18 tháng” của địch bị thất bại về cơ bản và đang trên đà đi tới phá sản. Mỹ - Diệm không còn tin vào khả năng phòng thủ ấp chiến lược.

Trên đà những thắng lợi chính trị, binh vận, quân sự đã đạt được, chấp hành Nghị quyết của Khu ủy 5 (07/1963) về phát động quần chúng phá thế kìm kẹp, phá ấp chiến lược, giành lại một phần nông thôn đồng bằng, đồng thời tích cực giữ vững và củng cố căn cứ miền núi, bảo đảm hành lang chiến lược, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ giành lại nông thôn, đồng bằng năm 1964 là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đánh giá tình hình Hương Thọ là một xã có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, mặc dù địch tiến hành khủng bố gắt gao nhưng phong trào kháng chiến vẫn diễn ra mạnh mẽ; ở các thôn trong xã số cơ sở tương đối đều, có đội công tác là người địa phương. Về địa hình, Hương Thọ là một xã trước sông, sau núi, thuận lợi cho hoạt động quân sự của ta nhưng khó khăn cho địch khi điều quân tiếp viện. Tỉnh ủy quyết định chọn Hương Thọ để tiến hành đồng khởi thí điểm trên toàn tỉnh.

Để chuẩn bị đồng khởi, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo đồng khởi, do đồng chí Nguyễn Văn làm Trưởng ban và đồng chí Vũ Thắng làm

Phó ban. Lực lượng của huyện tham gia chỉ đạo gồm đồng chí Nguyễn

(1), (2) Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Thủy, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 174 và 169.

Tăng, đồng chí Nguyễn Thuận; xã Hương Thọ, gồm đồng chí Nguyễn Quyệt (Bí thư đội công tác). Nhằm hỗ trợ và để rút kinh nghiệm khởi nghĩa tại Hương Thọ, tỉnh còn huy động lực lượng của các đơn vị Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Tuyên huấn tỉnh, lực lượng vũ trang K105 do đồng chí Nguyễn Thanh Trà (Chỉ huy trưởng), đồng chí Phạm Thanh Hà (Chính trị viên) cùng tham gia. Toàn bộ lực lượng chia làm 4 mũi đột nhập tấn công, phát động quần chúng như sau:

  • Mũi Đình Môn - Kim Ngọc do đồng chí Nguyễn Quyệt và đồng chí Bính chỉ huy cùng 7 đồng chí khác.
  • Mũi Dương Hòa - Lương Miêu - Thác Hộ (vạn Độc Lập) do đồng chí Nguyễn Văn và đồng chí Phạm Thanh Hà chỉ huy cùng 7 đồng chí khác.
  • Mũi Thạch Hàn - La Khê Trẹm do đồng chí Nguyễn Trung Chính và đồng chí Nguyễn Thị Hạo chỉ huy cùng 5 đồng chí khác.
  • Mũi Hải Cát Thượng - Hải Cát Hạ - La Khê Bãi - An Bằng - Diễn Phái do đồng chí Dưỡng, đồng chí Nguyễn Thanh Giai, đồng chí Lau và 7 đồng chí khác.

Sáng ngày 19/02/1964, các mũi công tác bắt đầu hoạt động. Mũi Dương Hòa – Lương Miêu dùng lực lượng nội ứng đánh tan trung đội bảo an địch, thu vũ khí, bắt sống tên Trung đội trưởng. Được lực lượng vũ trang hỗ trợ tích cực, nhân dân hai thôn đã nổi dậy phá ấp chiến lược, tham gia phục vụ bộ đội chiến đấu. Ở các mũi khác, đội công tác vũ trang tuyên truyền xã Hương Thọ đẩy mạnh tiến công địch ở La Khê, Kim Ngọc và Đình Môn. Riêng mũi Đình Môn cơ sở bên trong bị kẹt, lực lượng ta khẩn trương nắm tình hình thông qua hai chị phụ nữ trong thôn sau đó tổ chức chiến đấu giành địa bàn. Đến 10 giờ đêm ta làm chủ tình hình toàn xã, xóa bỏ bộ máy kìm kẹp của địch, tổ chức míttinh giới thiệu chính quyền cách mạng, đồng thời đào công sự, giao thông hào, làm hầm trú ẩn. Đến chiều hôm sau địch tổ chức phản kích quyết liệt nhưng với sự chiến đấu anh dũng của các lực lượng ta, chúng buộc phải rút lui. Sau 3 tháng chiến đấu ngoan cường ta làm chủ được hoàn toàn 4 thôn: Lương Miêu, Kim Ngọc, Thạch Hàn, Thác Hộ, một số thôn còn ở thế tranh chấp ta làm chủ ban đêm[20].

Từ thắng lợi của đồng khởi, tổ chức Đảng, Mặt trận, đoàn thể, xã đội, thôn đội, du kích được tổ chức khá hoàn chỉnh. Đến tháng 8/1964, ở Hương Thọ ta gần như làm chủ hoàn toàn, chỉ có thôn La Khê Trẹm gần Đường 12 ta chỉ làm chủ ban đêm. Ủy ban Mặt trận giải phóng xã Hương Thọ được thành lập, do đồng chí Mai Văn Duyến làm Chủ tịch. Chính quyền tự quản đã thực sự quản lý vùng giải phóng. Tại Dương Hòa, Chính quyền cách mạng được thành lập do đồng chí Nguyễn Nghí (tức Nguyễn Trọng Tài) làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Xuyên giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân thôn Dương Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thôn Dương Hòa là đồng chí Nguyễn Văn Mãi[21].

Trong đợt đồng khởi này, với tinh thần quật khởi, quân dân Dương Hòa (Hương Thọ) phối hợp với các đội công tác đã đánh thắng nhiều trận lớn.

Một tháng sau khởi nghĩa ở Dương Hòa (Hương Thọ), địch đã mở một trận tập kích với quy mô tiểu đoàn vào Đình Môn, khu vực trước cánh đồng làng vào ngày 09/02/1964. Lợi dụng địa hình địa thế quanh cánh đồng, Tỉnh đội Thừa Thiên Huế, Huyện đội Hương Thủy cùng quân dân Dương Hòa (Hương Thọ) đã bố trí trận địa phục kích đánh địch ngay trên cánh đồng với 3 cứ điểm chủ yếu gồm: khu vực chùa Đình Môn, đình làng Đình Môn và đồi chè phía Bắc làng Đình Môn (ranh giới giữa làng Kim Ngọc và làng Đình Môn). Từ những cứ điểm này quân và dân ta đã anh dũng chiến dấu và đánh bại đợt càn quét của địch.

Tháng 02/1964, dân quân du kích Dương Hòa (Hương Thọ) phối hợp với lực lượng Công an huyện Hương Thủy, Bộ đội chủ lực tỉnh đánh tan đại đội Bảo an địch, giải phóng hai thôn Lương Miêu, Dương Hòa.

Sau một tháng liên tục đánh địch, phát động quần chúng đấu tranh cướp chính quyền, ta đã xây dựng được chính quyền tự quản, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và các đoàn thể của Mặt trận ở các thôn Đình Môn, Lương Miêu, Dương Hòa, Thác Hộ được thành lập. Chi bộ đội công tác xã Hương Thọ đã kết nạp được thêm 2 đảng viên ngay thời điểm đồng khởi đang diễn ra, các đoàn thể: thanh niên, phụ nữ, nông dân, xã đội, dân quân du kích được hình thành[22].

Thắng lợi Đồng khởi ở Hương Thọ (Hương Thủy) có ý nghĩa quan trọng:

  • Qua phong trào này, ta đã xóa bỏ ấp chiến lược và bộ máy ngụy quyền xã, thôn, giành quyền làm chủ có mức độ cho nhân dân.
  • Chính quyền tự quản thôn, Mặt trận và các đoàn thể giải phóng ở một xã trong tỉnh được thành lập đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa, xây dựng, tập hợp lực lượng nhân dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước. Tạo được bàn đạp để từ chiến khu tiến địch ở các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà, mở rộng phong trào đấu tranh cách mạng.
  • Dương Hòa giành được quyền làm chủ, huyện Hương Thủy có căn cứ gần dân nhất để tổ chức xây dựng lực lượng và chỉ đạo phong trào.
  • Giữ được thế hợp pháp của quần chúng với chính quyền địch để quần chúng đấu tranh chính trị, buộc chúng phải giải quyết các yêu sách của dân[23].

Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm đồng khởi ở Hương Thọ để phát động quần chúng phá thế kìm kẹp của địch và khẳng định Đảng có đủ thực lực và điều kiện phát động quần chúng đồng khởi trong toàn tỉnh. Ngày 08/4/1964, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế họp ra nghị quyết phát động quần chúng phá thế kìm kẹp trong toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy Hương Thủy đã họp, soát xét lại tình hình và hạ quyết tâm tổ chức, lãnh đạo lực lượng cách mạng trong toàn huyện dũng cảm xông lên giải phóng đồng bằng[24].

Sau thắng lợi của phong trào đồng khởi ở Dương Hòa (Hương Thọ, Hương Thủy), phong trào cách mạng trong toàn huyện có bước phát triển mới. Trên cơ sở phân tích các vị trí chiến lược trong toàn huyện, Huyện ủy khẳng định thắng lợi đồng khởi ở Dương Hòa giữ một vai trò quan trọng đối với các xã vùng dưới và cả thành phố Huế. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, ta phải làm chủ Dương Hòa, lấy Dương Hòa làm bàn đạp, triển khai lực lượng tấn công vào thành phố Huế cũng như hỗ trợ cho các xã vùng dưới. Từ vùng hậu cứ Dương Hòa, các đơn vị quân sự của tỉnh, huyện có sự phối hợp của du kích Dương Hòa đã tiến về đồng bằng làm nên những chiến công hiển hách.

Sau thất bại ở Đình Môn địch thực hiện chính sách gom dân, đưa về các vùng đất bên kia Tả Trạch sông Hương để quản lý. Đến tháng 11/1964, vùng Dương Hòa, Lương Miêu đều bị gom hết. Một số ít cán bộ của ta rút về vùng núi Rệ, Khe Vàng để lẫn tránh.

Trước những đợt gom dân quyết liệt của địch, nhân dân Dương

Hòa đã đấu tranh đòi về làng cũ làm ăn, gia đình kiên quyết không chịu đi quy khu, trốn vào rừng, vùng Khe Dài, Khe Cà Lơi làm lán trại bám trụ quê hương để làm liên lạc, nuôi dưỡng và che giấu cán bộ huyện, tỉnh, thành đội Huế đang trú chân ở đây như gia đình của ông Lê Văn Vung, bà Võ Thị Xuân ở Lương Miêu; gia đình của ông Huỳnh Vàng, ông Phan Toàn, ông Võ Truyện ở thôn Hộ, gia đình bà Nguyễn Thị Sanh ở thôn Hạ. Mãi đến năm 1967, địch mới gom hết dân 2 thôn Kim Ngọc, Đình Môn vào khu tập trung ở Chi khu quân sự quận Nam Hòa. Riêng làng La Khê Trẹm vẫn bám trụ được và trở thành làng duy nhất của vùng chiến khu địch không thể gom dân đưa về các ấp chiến lược của chúng. Bất lực trước tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân làng La Khê Trẹm, địch chỉ còn cách gây dựng và củng cố Ngụy quyền ở đây. Do vậy, tại đây, mặc dù địch xây dựng được chính quyền nhưng vẫn không thể kiểm soát được nhân dân và đình làng La Khê Trẹm trở thành nơi tập trung đấu tranh của nhân dân trong làng để chống lại các chính sách đàn áp của địch.

Từ sau năm 1964, vùng đất thuộc các làng Lương Miêu - Dương Hòa trở thành vùng trắng, trung tâm của Chiến khu Dương Hòa chuyển về khu vực từ La Khê Trẹm đến trung tâm làng Đình Môn. Với sự bao bọc cảnh giới từ khu trung tâm này, vùng hậu cứ ở phía Tây của Chiến khu Dương Hòa đã được bảo vệ an toàn trước các cuộc tấn công, xâm nhập của địch. Những ngọn núi cao vùng chiến khu trở thành nơi xây dựng lực lượng, nơi trú chân của các cơ quan đầu não kháng chiến và là nơi xuất phát của những trận đánh lớn của các đơn vị chủ lực trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ.

Từ khu vực sông Hai Nhánh cho đến núi Rệ, núi Cáy phía Tây Dương Hòa được gọi là hậu cứ. Các cơ quan của tỉnh, huyện, Thành đội Huế đã chọn vùng đồi núi này làm nơi đứng chân của mình.

 

Khe Cống, địa điểm đứng chân của cơ quan Thành ủy Huế và Ban Chỉ huy Thành đội Huế

Tại vùng hậu cứ này, ta đã xây dựng hai địa đạo ở sườn Đông và Đông Nam của núi Rệ nhằm tạo thuận lợi cho việc liên lạc và bảo vệ vùng chiến khu. Địa đạo ở sườn Đông là căn cứ hoạt động của Huyện ủy và Huyện đội Hương Thủy. Còn địa đạo nằm ở phía Đông Nam núi Rệ, được gọi là địa đạo 815. Đây là nơi đứng chân của cơ quan Thành ủy Huế và Ban Chỉ huy Thành đội Huế. Các cơ quan Tỉnh ủy đóng ở Khe Ồ Ồ, Khe Vàng, Khe Đá Dăm của Núi Rệ, Bệnh viện đóng ở Khe Cống. Các hệ thống địa đạo này được sử dụng trong nhiều năm, từ sau năm 1969 mới không còn cán bộ hoạt động tại các khu vực này do địch tập trung hỏa lực bắn phá mạnh.

 

[1] Dương Hòa lúc này là một bộ phận của xã Thượng Hóa, quận Thượng Du theo hệ thống chính quyền địch nhưng lại là một thôn của xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Vì vậy, khi trình bày chủ trương của địch chúng tôi chú thích Thượng Hòa, nhưng khi trình bày hoạt động của chính quyền cách mạng chúng tôi chú thích Hương Thọ.

[2] Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (1999), Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 22.

[3] Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần Lịch sử, Nxb Khoa học xã hội, H., trang 401.

[4] Sau này đổi thành Quận trưởng, Quận phó.

[5] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hương Thọ, Lịch sử Đảng bộ xã Hương Thọ (1930 - 2010), Huế, tháng 4/2015, Bản đánh máy, trang 41.

[6] Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 ăm 2015, (Văn phòng  - Đảng ủy xã Dương Hòa).

[7] Dương Hòa lúc này nằm trong địa giới xã Thượng Hòa, quận Thượng Du (tức quận Nam Hòa) theo hệ thống hành chính của địch, còn đối với hệ thống hành chính của ta thì Dương Hòa thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Vì vậy khi nói về địch chúng tôi chú dẫn Dương Hòa (Thượng Hòa), còn khi nói về phong trào cách mạng chúng tôi chú dẫn Dương Hòa (Hương Thọ).

[8] Chiến trường Trị Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, Nxb Thuận Hóa, Huế (1985), trang 29, 30.

[9] Chiến trường Trị Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, Nxb Thuận Hóa, Huế (1985), trang 30.

[10] Nguyễn Văn Dương sau này đầu hàng địch, tham khảo tài liệu Lịch sử Đảng bộ xã Hương Thọ (1930 - 2010), Huế, tháng 4/2015, Bản đánh máy, trang 45.

[11] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hương Thọ, Lịch sử Đảng bộ xã Hương Thọ (1930 - 2010), Huế, tháng 4/2015, Bản đánh máy, trang 45.

[12] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hương Thọ, Lịch sử Đảng bộ xã Hương Thọ (1930 - 2010), Huế, tháng 4/2015, Bản đánh máy, trang 50.

[13] Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (1999), Thừa Thiên - Huế kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 48 - 49.

[14] Đây là hình thức đưa tin đơn tuyến, người đưa thư và gửi thư không biết mặt nhau. 

[15] Đây là ám hiệu có hay không có địch. Người nhận tin đến điểm hẹn thấy có kèm theo một bông trang là an toàn, mất bông trang là dấu hiệu có địch…

[16] Bộ máy chính quyền Ngụy do tên Nguyễn Lạng, làm đại diện xã (1960 - 1961).

[17] Đảng bộ Thừa Thiên Huế (1995), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế, Tập II (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 47, 48.

[18] Đình Đính, Phóng sự Chiến khu Dương Hòa, tài liệu đánh máy, trang 4.

[19] Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 năm 2015, (Văn phòng Đảng ủy xã Dương Hòa).

[20] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hương Thọ, Lịch sử Đảng bộ xã Hương Thọ (1930 - 2010), Huế, tháng 4/2015, Bản đánh máy, trang 59-60.

[21] Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ hai, ngày 05 tháng 5 năm 2016, (Văn phòng - Đảng ủy xã Dương Hòa).

[22] Đảng bộ huyện Hương Thủy (2008), Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Hương Thủy (1945 - 2005), Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 88. 

[23] Đảng bộ huyện Hương Thủy (1994), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Thủy, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 176 – 178.

[24] Đảng bộ huyện Hương Thủy (1994), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Thủy, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 178 - 181.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.203.885
Truy cập hiện tại 305