Tìm kiếm tin tức
DƯƠNG HÒA , VÙNG ĐẤT VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
Ngày cập nhật 11/04/2019

 

DƯƠNG HÒA , VÙNG ĐẤT VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

Đảng bộ và nhân dân Dương Hòa rất tự hào về truyền thống quê hương, nơi mà biết bao thế hệ ông, cha đã không tiếc máu xương, công sức để khai phá, tạo lập, xây dựng, chiến đấu giữ gìn và phát triển. Trong suốt chặng đường dài lịch sử, trải qua, Dương Hòa luôn vươn lên trong lao động và đấu tranh cách mạng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Nhân dân Dương Hòa luôn chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và rất kiên cường, dũng cảm trong đánh giặc ngoại xâm. Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống yêu nước và đấu tranh anh dũng kiên cường của quê hương được hun đúc và phát huy cao độ, đã tô thắm thêm những trang sử vẻ vang. Ba mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ, Đảng bộ xã, nhân dân Dương Hòa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát huy được vị thế của vùng chiến khu cách mạng, lập nhiều chiến công oanh liệt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân. Trong lao động xây dựng quê hương, nhất là thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Dương Hòa tiếp tục nỗ lực không ngừng, phấn đấu đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới, tạo nên sự đổi thay lớn lao, đưa xã nhà vững bước tiến lên.

I. Điều kiện tự nhiên.

Dương Hòa là một xã nằm về phía Tây Hương Thủy. Phần lớn đất Dương Hòa nằm ở hai bờ sông Tả Trạch, thượng nguồn sông Hương, vùng có dân tập trung dọc theo hai bờ nhánh Tả Trạch. Phía Bắc giáp với xã Thủy Bằng, phía Đông giáp xã Phú Sơn, phía Nam giáp huyện Nam Đông, phía Tây giáp xã Bình Thành (thị xã Hương Trà). Tổng diện tích Dương Hòa là 26.171,92 ha. Trong đó đất nông nghiệp chiếm 23.170,90 ha; đất phi nông nghiệp 2.661,54 ha; đất chưa sử dụng 339,48 ha[1].

Dương Hòa là xã thuộc vùng gò đồi của Hương Thủy vừa chịu sự chi phối của khí hậu vùng chí tuyến nhiệt đới gió mùa, vừa mang đặc điểm riêng của vùng khí hậu gò đồi. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 25,3oC, cao nhất là 40oC, thấp nhất là 10,5oC; tổng nhiệt hằng năm là 9150oC, số giờ nắng trung bình năm là 1925 giờ. Lượng mưa phân bố không đều trong năm, tập trung mưa bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 12, cao nhất là từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm (chiếm 70 - 75% lượng mưa cả năm) nên thường xảy ra lũ lụt trong những tháng này. Lượng mưa trung bình 2995mm, lượng mưa thấp nhất 1882mm, số ngày mưa trung bình hằng năm là 153 ngày.

Chế độ gió diễn biến theo mùa và phân thành 2 mùa rõ rệt:

+ Gió Tây Nam khô nóng xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, vận tốc trung bình từ 3 - 4m/s (cực đại 9m/s).

+ Gió Đông Bắc lạnh ẩm kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tốc độ gió trung bình 3,5 - 4m/s (cực đại 10m/s). Tháng 1 là thời kì gió Đông Bắc hoạt động mạnh nhất(1).

Bão thường xuyên xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 12. Tần suất bão khá lớn, có lúc đến 4 cơn/năm.

Độ ẩm tương đối bình quân là 84,5%, độ ẩm tuyệt đối là 15%; tính chất của các dòng khí khác nhau trong các mùa tạo nên thời kì khô và ẩm khác nhau, mùa đông có độ ẩm lớn và có mưa nhiều nhất.

Địa hình của xã Dương Hòa có nhiều khe, động, núi, sông(2), có ưu thế trong việc bố phòng để xây dựng chiến khu, là vùng hậu cứ của cách mạng ở phía Tây - Nam thành phố Huế và các xã giáp ranh, đồng bằng. Trong hai cuộc kháng chiến, Dương Hòa (theo nghĩa rộng) là hậu cứ của ta còn địch thì bố phòng một hệ thống đồn bốt, chiếm đóng các điểm cao để khống chế và liên tục tổ chức các cuộc hành quân càn quét, chống phá căn cứ địa cách mạng ở đây.

Toàn xã có 5 thôn: thôn Hạ, Buồng Tằm, thôn Hộ, Thanh Vân và Khe Sòng.

Về cư dân, toàn xã có 509 hộ với số dân là 1910 khẩu(3). Trong đó

  1. Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 năm 2015, (Văn phòng – Đảng ủy xã Dương Hòa).
  2. - Núi: Kệ, Sa Trúc, Đá Đen, Mỏ Tàu, Khe Tre, Rệ, …
  • Động: động Sầm, động Man Chang, động Cà Lơi, động Hóc Lấu, động Đá Trắng, động Trầu, động Bồ, địa đạo Dốc Năm Tầng, động 815.
  • Đèo: đèo Cày Khế (Dương Hòa).
  • Khe: khe Rệ, khe Trầu, khe Vịt, khe Đá Dăm, khe Cau, khe Vàng.
  • Sông: sông Tả Trạch, sông Hai Nhánh.

(3) - Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 năm 2015; Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới (Văn phòng - Đảng ủy xã Dương Hòa).

số người trong độ tuổi lao động là 785 người (chiếm khoảng 45% dân số), chủ yếu là lao động nông - lâm nghiệp (chiếm khoảng 40% dân số), còn lại là lao động tham gia các ngành sản xuất khác[2].

Căn cứ vào tài liệu thư tịch cổ, những lớp người đầu tiên đến định cư sinh sống trên địa bàn Dương Hòa là vào cuối nhà Trần. Tuy nhiên, phải đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558), với ý đồ xây dựng lực lượng cát cứ ở Đàng Trong để đối đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài thì số người di cư vào đây mới ngày càng đông hơn. Các họ, tộc, chi phái ở Dương Hòa ngày nay đều có nguồn gốc từ những lớp người theo các chúa Nguyễn vào sinh sống, định cư ở đất Thuận Hóa. Theo gia phả họ Phan có ghi chép, năm 1721, ngài Khai canh của làng Dương Hòa, húy Phan Đại Lang được Vua sắc phong “Nẫm Trước Linh

Ứng, Dực Bảo Trung Hưng, Linh Phò Tôn Thần” có nguồn gốc ở Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là con cháu ngài Toàn Đức Hầu (Phan Văn Du), được nhà nước phong kiến phong tước là “Toàn Đức Hầu” vào năm 1634, ngài Khai canh cùng con, cháu họ Phan đặt chân đầu tiên tại vùng đất này để khai điền, khai thổ, lập ấp, lập làng. Trải qua bao gian nan, vất vả và được nhiều ưu đãi của thiên nhiên và sự ra sức xây dựng của con, cháu họ Phan, kế đó là họ Nguyễn (Buồng Tằm) và các họ đời sau nên làng Dương Hòa được vun đắp và phát triển cho đến hôm nay. Gia phả họ Nguyễn cũng khẳng định họ Nguyễn là tộc họ đầu tiên đến định cư tại làng Lương Miêu vào năm 1841.

Các thời kì tiếp theo, cư dân nhiều nơi với nhiều lí do khác nhau cũng đến định cư ở Dương Hòa. Nhưng do ảnh hưởng bởi tập tục phong kiến, nên những người ngụ cư đều bị bọn cường hào địa phương đè nén, bóc lột thậm tệ, đây là một trong những mâu thuẫn chủ yếu dẫn đến sự giác ngộ cách mạng của các tầng lớp nhân dân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do sự càn quét khủng bố và quy dân lập ấp của địch nên dân số Dương Hòa thường xuyên biến động.

Trong thời Mỹ ngụy tạm chiếm, ở vào thời kì cao điểm của các cuộc “bình định” và dồn dân của địch vào các năm 1964, 1967 toàn xã chỉ còn 7 hộ gia đình kiên trì bám trụ ở lại quê hương trong một thời gian dài[3].

Sau ngày quê hương giải phóng (3/1975), dân số Dương Hòa tăng lên nhanh chóng do có nhiều dân cư trở về quê hương và do thực hiện chủ trương của tỉnh điều cư dân đồng bằng lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới ở đây, nên dân số Dương Hòa đã tăng lên 721 hộ với số dân 3442 khẩu[4]. Ngày nay, qua nhiều biến động, nhất là sau năm 2004, do yêu cầu xây dựng công trình hồ chứa nước Tả Trạch, một số dân phải di dời đến nơi ở khác, nên đến năm 2015 dân số Dương Hòa giảm xuống còn 509 hộ với số dân là 1910 khẩu.

II. Địa lý hành chính và truyền thống lịch sử.

Dương Hòa là một xã vùng núi của thị xã Hương Thủy, nguyên là đất Quận Nhật Nam (đời Hán), Lâm Ấp (thời Tấn).

Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý làm quà sính lễ. Nhà Trần sát nhập vào đất Đại Việt thành châu Thuận và châu Hóa. Dương Hòa lúc này là đất châu Hóa[5]. Theo tác giả của “Ô châu cận lục” viết vào đời Mạc Phúc Nguyên (1553) thì Dương Hòa có tên là xã Dương Hóa, huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

Trải qua bao thăng trầm theo các triều đại Trần, Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn; cư dân Thừa Thiên Huế dần dần bước vào lịch sử dựng làng, giữ nước với sự di dân ngày càng đông của người Việt ở các tỉnh phía Bắc vào. Đặc biệt, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận - Quảng năm 1558. Lúc này “Thuận Hóa, Quảng Nam nói chung còn quá nghèo nàn, lạc hậu, xóm làng thưa thớt, đất đai chưa được khai khẩn mấy, hoang hóa còn nhiều. Những người dân phía Bắc đã từng bị bần cùng hóa nhiều năm đã di cư vào đây khai phá làm ăn. Chính những người di cư này đã đóng vai trò  quan trọng trong công việc khai phá đất hoang, lập làng mới”. Bấy giờ, Nguyễn Hoàng đổi tên huyện Kim Trà thành Hương Trà, Đan Điền thành Quảng Điền, Tư Vang thành Phú Vang. Dương Hòa lúc này thuộc địa giới của huyện Kim Trà với tên gọi là Dương Hóa[6].

Trải qua gần ba thế kỉ sau, đất đai các huyện tiếp tục được khai phá, dân cư tăng nhanh, kinh tế phát triển, đòi hỏi phải phân lại địa giới phù hợp với quy hoạch hành chính mới. Năm 1835, vua Minh Mạng đã cho cắt đất từ ba huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền để lập nên ba huyện mới là Hương Thủy, Phú Lộc và Phong Điền. Riêng Hương Thủy là một phần đất của hai huyện Phú Vang và Hương Trà gồm các tổng: An Cựu, Dã Lê (Dạ Lê), Cư Chánh, Lương Quán, Lương Văn với 58 xã, thôn, giáp, phường, ấp.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), làng Dương Hòa có 3 xóm (Hạ, Thượng, Trung), Lương Miêu và làng Đình Môn thuộc xã Hương Nguyên, tổng Long Hồ, huyện Hương Trà[7].

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), địa danh Dương Hòa có nhiều lần thay đổi.

Đầu năm 1946, sau Cách mạng tháng Tám (1945), chính quyền cách mạng xóa bỏ cấp tổng, thành lập cấp xã. Trên cơ sở đó, xã Hương Nguyên đã được thành lập thay cho tổng Long Hồ bao gồm các thôn: Dương Hòa, Đình Môn, Lương Miêu trực thuộc huyện Hương Trà.

Đến đầu năm 1949, chính quyền cách mạng chủ trương thành lập các xã có phạm vi rộng để huy động nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tỉnh có chủ trương nhập xã Hương Nguyên, Hương Ty, Hương Phụng thành một xã lớn có tên là Hương Thọ bao gồm các thôn: Dương Hòa, Lương Miêu, Đình Môn, Kim Ngọc, La Khê Trẹm, Thạch Hàn, Hải Cát, La Khê Bải, Lại Bằng (Bình Điền), An Bằng, Diễn Phái(1). Tên Dương Hòa thời kì này hiểu theo nghĩa rộng là chiến khu Dương Hòa. Vì chiến khu là một vùng đất rộng lớn bao gồm nhiều thôn và Dương Hòa là khu vực trung tâm của chiến khu, nên gọi là chiến khu Dương Hòa.

Sau năm 1954, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) địa giới Dương Hòa lại có nhiều thay đổi.

Với chính sách chia để trị, ngụy quyền Sài Gòn chia nhỏ đơn vị hành chính huyện, xã. Chúng cắt đất Hương Thọ thành lập 2 xã: Thượng Hòa và Thượng Điền. Xã Thượng Hòa gồm các thôn Kim Ngọc, Đình Môn, Dương Hòa (bao gồm cả Lương Miêu), vạn Độc Lập; xã Thượng Điền gồm các thôn Hải Cát, La Khê Trẹm, La Khê Bải, Thạch Hàn, Bình Điền, Diễn Phái. Sau đó (ngày 17/5/1955) chúng nhập các xã Thượng Hòa, Thượng Điền, Thượng Bằng (Hương Thủy) thành quận Thượng Du và đến ngày 17/5/1958 đổi tên là quận Nam Hòa(2).

Từ tháng 11/1964, thực hiện “chính sách” ấp chiến lược, Ngụy

Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 năm 2015, (Văn phòng - Đảng ủy xã Dương Hòa) kết hợp Lịch sử Đảng bộ Hương Thọ (1930 - 2010), Huế 4/2015, Bản đánh máy, trang 5.

  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần Lịch sử, Nxb Khoa học xã hội, H., trang 401.

quyền Sài Gòn đã ép nhân dân Dương Hòa (Dương Hòa, Lương Miêu) về tập trung ở khu tái định cư Hòa Lương của thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng. Đến năm 1967 ép buộc nhân dân thôn Đình Môn về tập trung ở khu định cư của chi khu quân sự quận Nam Hòa.

Song song với hệ thống chính quyền của Mỹ - Diệm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1960) chính quyền cách mạng vẫn giữ nguyên địa giới hành chính của xã Hương Thọ như trong thời kì chống thực dân Pháp. Dương Hòa lúc này là một thôn (Dương Hòa - Lương Miêu) của xã Hương Thọ, trực thuộc huyện Hương Trà.

Đến năm 1961, để tạo điều kiện xây dựng vùng hậu cứ cách mạng ở vùng núi, vùng giáp ranh ở phía Tây - Nam của tỉnh, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có chủ trương cắt 6 thôn phía nam sông Hữu Trạch của xã Hương Thọ thuộc huyện Hương Trà nhập vào huyện Hương Thủy. Dương Hòa lúc này, trực thuộc huyện Hương Thủy bao gồm các thôn: Dương Hòa, Đình Môn, Kim Ngọc, La Khê Trẹm và Thạch Hàn. Địa giới hành chính này giữ nguyên cho đến năm 1975.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), chính quyền cách mạng xác lập lại địa giới hành chính như cũ, Dương Hòa trở về với địa giới như trước năm 1954, Dương Hòa lúc này trực thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.

Năm 1977 thực hiện chủ trương đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới tại đây, nên Dương Hòa có thêm hai vùng kinh tế mới Hương Phú và thành phố Huế, bao gồm 5 đội sản xuất và 9 tập đoàn[8]. Địa giới

Dương Hòa lúc này về quản lí hành chính rất đặc biệt: Dương Hòa, Lương Miêu, Vạn Độc Lập thuộc xã Hương Thọ quản lí, một khu kinh tế mới do Thành phố Huế quản lí, một khu kinh tế mới (thôn Thanh Vân 1 - 2, thôn Vinh Hà, Hai Nhánh) do huyện Hương Phú quản lý.

Năm 1981, thực hiện chủ trương qui hoạch lại địa giới của tỉnh, Dương Hòa được tách khỏi xã Hương Thọ trở về với địa giới huyện Hương Phú, thành một xã riêng gồm các thôn: Dương Hòa, Lương Miêu, Vạn Độc Lập, vùng kinh tế mới Hương Phú, vùng kinh tế mới thành phố Huế.

Tháng 9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 345/HĐBT, chia Hương Phú thành 2 huyện Hương Thủy và Phú Vang. Dương Hòa lúc này có 12 thôn và 1 bản dân tộc gồm: thôn Hạ, Buồng Tằm, Hộ, Thanh Vân 1, Thanh Vân 2, Vinh Hà, Hai Nhánh, Lương Miêu 1, Lương Miêu 2, Lương Miêu 3, Lương Miêu 4, Lương Miêu 5 và bản dân tộc Vân Kiều thuộc địa giới huyện Hương Thủy.

Đến năm 2004, do yêu cầu xây dựng công trình hồ chứa nước Tả Trạch, nhân dân các thôn Lương Miêu 1, Thanh Vân 2, Vinh Hà, Hai Nhánh, bản dân tộc Vân Kiều phải chuyển sang tái định cư ở Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc; các thôn Lương Miêu 2, Lương Miêu 3, Lương Miêu 4 sang tái định cư ở xã Bình Thành (thị xã Hương Trà); thôn Lương Miêu 5 sang tái định cư tại khu vực Khe Sòng (nay là thôn Khe Sòng).

Địa giới hành chính Dương Hòa lúc này chỉ còn lại 5 thôn: thôn Hạ, Buồng Tằm, Hộ, Thanh Vân và Khe Sòng (tức Lương Miêu 5).

Trên mảnh đất đầy gian khổ này, nhân dân Dương Hòa từ thế hệ này đến thế hệ khác đã xây dựng, tôn tạo cho quê hương một bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp, phong phú. Nhân dân sống cần cù, chịu khó, chân thật, tình nghĩa, đùm bọc, yêu thương nhau trong tình làng nghĩa xóm, lạc quan, . . .

Với truyền thống cần cù trong lao động, không quản ngại gian khó, hi sinh, từ rất sớm nhân dân Dương Hòa đã tỏ rõ khí phách trong các phong trào đấu tranh chống phong kiến, thực dân, đế quốc bảo vệ xóm làng và trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Trong 30 năm kháng chiến chống quân xâm lược, mặc dù liên tục bị càn quét, đánh phá từ thành phố lên, từ địa bàn Phú Lộc, Hương Trà qua và cả bằng hệ thống lực lượng địch tại chỗ nhưng nhân dân Dương Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã vùng lên chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, ngoan cường bám trụ, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, kiên cường đánh giặc, giành thắng lợi cuối cùng và khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng Dương Hòa trở thành một xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về mặt chiến lược, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Dương Hòa giữ một vị trí rất quan trọng.

Giữa năm 1948, phong trào cách mạng ở các huyện phía Nam của tỉnh phát triển mạnh, để đáp ứng kịp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra, tháng 5/1948 các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính và các ngành của tỉnh từ chiến khu Hòa Mỹ đã chuyển đến Dương Hòa. Từ đây chiến khu Dương Hòa được thành lập, vừa thay cho chiến khu Phương Hải, vừa nâng tầm quy mô để trở thành nơi các cơ quan của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính - kháng chiến tỉnh, Tỉnh đội, Công an tỉnh, các đoàn thể và toàn bộ lực lượng đầu não kháng chiến của tỉnh Thừa Thiên Huế trú đóng để lãnh đạo kháng chiến.

Tại đây, nhiều đoàn dân công vận tải của Liên khu 5 đã vận chuyển súng, đạn, thuốc men để chi viện cho chiến trường Khu 4 và Khu 5. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nhiều Đại hội, Hội nghị của tỉnh đã được tổ chức như: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ I (từ ngày 17/4 đến ngày 27/4/1949), lần thứ II (từ ngày 2/5 đến ngày 15/5/1950 diễn ra ở khe Rệ (vùng núi chiến khu Dương Hòa) và lần thứ III (từ ngày 20 đến ngày 24/7/1951); Hội nghị cán bộ chính trị của Tỉnh ủy (ngày 19/10/1953) để phát động phong trào thi đua giết giặc lập công, góp phần phối hợp với chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 trên toàn quốc; nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã đến Dương Hòa để trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo, động viên, thăm hỏi cán bộ, nhân dân trong kháng chiến như: đồng chí Lê Đức Thọ (1948), đồng chí Phạm Văn Đồng (1949), đồng chí Lê

Duẩn (1951), Phạm Hùng (1952)…

Với vị thế của một địa bàn chiến lược được xem như con dao chọc vào yết hầu của Pháp ở thành phố Huế, nên Dương Hòa liên tục hứng chịu nhiều cuộc tấn công, càn quét của kẻ địch. Tháng 8/1948 Pháp mở cuộc tiến công thăm dò, sau đó ngày 25/9/1948 hơn 300 quân Pháp hùng hổ kéo lên Dương Hòa. Dựa vào địa thế hiểm trở của núi rừng, khe suối, ta đã dũng cảm đánh chặn tiêu diệt hơn 200 tên, buộc địch phải rút lui. Tháng 12/1949, Pháp lại liều lĩnh tổ chức cuộc tấn công mới và lại bị thua đau, buộc phải rút khỏi Dương Hòa... Sau những thất bại đó, địch vẫn không từ bỏ dã tâm đánh phá chiến khu Dương Hòa. Từ ngày 20/6/1952 đến ngày 26/6/1952, thực dân Pháp huy động 3 tiểu đoàn thiện chiến mở cuộc càn lớn vào Dương Hòa, Đình Môn, Lương Miêu. Để đánh trận càn quy mô này, các lực lượng chủ lực như: Tiểu đoàn 319,  Tiểu đoàn 435 (đánh địch ở chợ Dương Hòa), Tiểu đoàn 328 (chặn đánh địch ở Đình Môn) đã cùng với quân, dân chiến khu mưu trí dũng cảm, kiên cường chốt giữ các vị trí xung yếu, dùng hỏa lực mạnh đánh bại cuộc hành quân này của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên lính Âu Phi, bắt sống 57 tên[9].

Với những chiến công vang dội trên, Dương Hòa đã khẳng định ưu thế của thế trận chiến tranh nhân dân, nâng vị thế Dương Hòa thành một chiến khu có tầm vóc cả nước. Thực dân Pháp sau trận đánh năm 1952 không còn đủ khả năng tấn công lên chiến khu, chúng chỉ tìm cách ngăn chặn các ngã đường tiếp tế của ta từ đồng bằng lên chiến khu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), do hoàn cảnh cụ thể, thế trận, phương tiện kĩ thuật phục vụ chiến tranh đã thay đổi, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế không chọn Dương Hòa để tiếp tục xây dựng, phát triển chiến khu, nhưng đây vẫn là một vị trí quan trọng mà địch luôn tổ chức đánh phá ác liệt, vì Dương Hòa là căn cứ địa cách mạng, là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo huyện Phú Vang, Hương Thủy, Thành đội Huế, Tỉnh đội Thừa Thiên Huế và các lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh, Trung ương... Dương Hòa cũng là bàn đạp tiến về Huế và đồng bằng Phú Vang, Hương Thủy trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch Huế - Đà Nẵng xuân 1975.

Trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhân dân Dương Hòa vẫn bám trụ các khe, suối, đồi, đào hầm hào ẩn nấp và làm tròn nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược từ đồng bằng Phú Vang, Hương Thủy lên chiến khu tiếp tế cho bộ đội chủ lực và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện…; kiên trì bám đất tăng gia sản xuất, tạo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ để nuôi quân. Có nhiều lúc người dân còn phải nhường phần ăn của mình cho bộ đội đánh giặc.

Với sự vận dụng, kết hợp một cách linh hoạt, thông minh, sáng tạo các hình thức đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận, Đảng bộ và nhân dân Dương Hòa đã lập được nhiều chiến công vang dội, điển hình trong toàn tỉnh như: Hương Thọ là xã được chọn chỉ đạo điểm trong phong trào Đồng khởi đồng bằng (1964); tập trung chỉ đạo, xây dựng làng La Khê Trẹm trở thành làng duy nhất của vùng chiến khu mà địch không thể gom dân vào các ấp chiến lược; tổ chức bữa cơm hòa hợp dân tộc ngày 19/5/1973 giữa 1 đại đội của Trung đoàn bộ binh 54 Ngụy (E54) với 2 đại đội (C1 và C3) của Huyện đội Hương Thủy dưới sự chỉ đạo của đồng chí Huyện đội trưởng Võ Nguyên Quảng và đồng chí Huyện đội phó Lê Hữu Tòng nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ tại sân bay “Cưa” [10] ở căn cứ Mỏ Tàu.

Những thắng lợi trên là minh chứng hùng hồn khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Dương Hòa là hình ảnh thu nhỏ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau ngày quê hương giải phóng, Dương Hòa là một trong những xã còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nhưng Đảng bộ và nhân dân Dương Hòa với quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới đã huy động mọi tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm của nhân dân phấn đấu thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, theo hướng nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc 19 tiêu chí để Dương Hòa thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn[11].

Từ trong quá khứ đấu tranh anh dũng, con em Dương Hòa đã cống hiến nhiều thành tích cho quê hương, đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Dương Hòa có 24 liệt sĩ hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8 thương binh và nhiều gia đình có công với cách mạng... Cán bộ, đảng viên và Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Hòa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (Quyết định số 761 ngày 29/1/1996 của Chủ tịch nước)[12].

Với truyền thống cần cù trong lao động, anh dũng trong đấu tranh, nghĩa tình trong đối xử được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhân dân Dương Hòa không ngừng bồi đắp thêm cho mảnh đất quê hương ngày càng xanh tươi, trù phú, nhất là từ ngày có Đảng, phẩm chất cao quý đó được nhân lên gấp bội để quyết tâm xây dựng Dương Hòa ngày càng giàu đẹp.



[1] Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 năm 2015, (Văn phòng – Đảng ủy xã Dương Hòa).

[2] - Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 năm 2015; Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới (Văn phòng - Đảng ủy xã Dương Hòa).

[3] 7 gia đình đó là: Lê Văn Vung, Võ Thị Xuân (Lương Miêu), Huỳnh Vàng, Phan Toàn, Võ Truyện (thôn Hộ), bà Võ (Vạn Độc Lập), Nguyễn Thị Sanh (thôn Hạ).

[4] Tư liệu Hội thảo xây dựng Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa lần thứ nhất, ngày 07 tháng 12 năm 2015 (Văn phòng Đảng ủy xã cung cấp).

[5] Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam (1990), Đại Nam nhất thống chí, tập I, Nxb Khoa học xã hội, trang 77.

[6] Dương Văn An, Ô châu cận lục (Tân dịch Hiệu chú của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc).

[7] Ngô Kha (1996), Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Trà (sơ thảo)

[8] Đó là các đội và các tập đoàn sản xuất sau:

- Các tập đoàn sản xuất: Tập đoàn 1 (thôn Thanh Vân 1); Tập đoàn 2 (thôn Thanh Vân 2); Tập đoàn 3 (thôn Vinh Hà); Tập đoàn 4 (thôn Hai Nhánh); Tập đoàn 5,6 (thôn Lương Miêu 1); Tập đoàn 7 (thôn Lương Miêu 2); Tập đoàn 8 (thôn Lương Miêu 3); Tập đoàn 9 (thôn Lương Miêu 4).

- Các đội sản xuất: Đội 1 (thôn Hạ); Đội 2 (thôn Buồng Tằm); Đội 3 (thôn Hộ), Đội 4 (Vạn Độc Lập); Đội 5 (thôn Lương Miêu 5).

[9] Bảo tàng lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế (2006), Di tích lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa Huế, trang 116.

[10] Sân bay “Cưa” là tên gọi của bộ đội ta về sân bay dã chiến do địch cưa một khu cây rừng tại Mỏ Tàu để làm sân bay quân sự.

[11] Đại hội Đảng bộ Dương Hòa nêu chỉ tiêu là năm 2016 đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới, nhưng đến ngày 18/11/2015  Dương Hòa đã được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

[12] Danh sách các liệt sĩ, gia đình có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xem Phụ lục số 4.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.202.515
Truy cập hiện tại 1.703